Nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, Công an huyện Phú Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các trường học trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi năm, đơn vị phối hợp tổ chức được trên 20 buổi tuyên truyền tại các cơ sở giáo dục, qua đó góp phần giúp các em học sinh hình thành ý thức, thói quen “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Học sinh Trường THPT Lương Phú (Phú Bình) tham gia đóng tiểu phẩm tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ. |
Theo phân tích của một số cán bộ Công an huyện Phú Bình, công dân dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, đây là độ tuổi phhát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý lại có những bất ổn, thậm chí nổi loạn, thiếu hụt các kỹ năng sống như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý cảm xúc... Điều này khiến trẻ vị thành niên dễ thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ và có thể dẫn đến hành vi phạm tội.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Công an huyện Phú Bình đã tiếp nhận và xử lý 3 vụ việc thanh, thiếu niên tụ tập sử dụng hung khí đánh nhau, gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản. Đơn vị đã khởi tố 30 đối tượng liên quan, các đối tượng đa số đều ở độ tuổi từ 15 đến 18 tuổi. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh trong các trường học, nhất là đối với các trường phổ thông lại càng cần thiết.
Để công tác này đạt hiệu quả, Công an huyện Phú Bình đã thường xuyên phối hợp với các nhà trường bám sát đặc điểm, điều kiện thực tế ở mỗi đơn vị để xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm đảm bảo các yếu tố ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của các em học sinh. Tại các buổi tuyên truyền, cán bộ thuộc các đội nghiệp vụ của Công an huyện Phú Bình đã chuẩn bị chu đáo các nội dung liên quan đến những vấn đề như đảm bảo an toàn giao thông; phòng, chống ma túy; phòng, chống bạo lực học đường...
Nhằm thu hút sự chú ý của học sinh và giúp các em nhớ lâu, nhớ sâu, hình thức tuyên truyền cũng thường xuyên được Công an huyện và các nhà trường đổi mới. Trong đó có thể tuyên truyền qua hình thức giao lưu hỏi - đáp; đóng tiểu phẩm; tổ chức tọa đàm, hay đơn giản là gắn các câu chuyện từ thực tế với nội dung cần tuyên truyền...
Thiếu tá Nguyễn Hoài Nam, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Phú Bình) cho biết: Nếu chỉ tuyên truyền một chiều mà không có sự tương tác với học sinh hay chỉ tuyên truyền về mặt lý thuyết mà không có sự liên hệ với những tình huống diễn ra trong cuộc sống sẽ khiến cho buổi tuyên truyền dễ bị nhàm chán. Việc đổi mới hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh không chỉ giúp các em nhớ lâu, nhớ sâu mà còn nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi học sinh.
Có dịp tham dự một số buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các trường phổ thông trên địa bàn huyện Phú Bình, chúng tôi thấy các trường đều đặc biệt quan tâm đến công tác này. Nét nổi bật của các nhà trường là không chỉ phối hợp tốt với các đơn vị, cơ quan chức năng mà còn vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức tuyên truyền sinh động, phong phú.
Điển hình như ở trường THPT Lương Phú, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên được Nhà trường lồng ghép vào các buổi chào cờ đầu tuần hoặc các hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp với các hình thức, như: sân khấu hóa với các tiểu phẩm, trò chơi; phát động học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật; lồng ghép nội dung phổ biến giáo dục pháp luật vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhà trường... Qua đó thu hút sự yêu thích và hào hứng tham gia của học sinh khi các em được “học mà chơi, chơi mà học”.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng trường THPT Lương Phú, cho biết: Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền do Nhà trường tự tổ chức, trung bình mỗi năm trường còn phối hợp với Công an huyện Phú Bình tổ chức tuyên truyền từ 1 - 2 buổi về phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh, nhất là tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, các loại ma túy và đảm bảo an toàn giao thông. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên Nhà trường không có học sinh vi phạm pháp luật, đến nay đã xây dựng và duy trì tốt mô hình cổng trường an toàn giao thông.
Từ thực tế cho thấy, nhiều thanh, thiếu niên còn chưa biết được việc làm sai trái của mình có thể bị pháp luật xử lý. Nhiều em bị dụ dỗ phạm tội hay gián tiếp phạm tội mà không biết mình đã vi phạm pháp luật, điều này một phần là do nhận thức của các em về các quy định của pháp luật còn hạn chế; số trẻ em vi phạm pháp luật thường sống trong môi trường thiếu lành mạnh, bố mẹ ít quan tâm, thiếu sự quản lý giáo dục... Từ đó, dẫn đến thực trạng một số thanh thiếu niên phát triển theo chiều hướng lệch lạc, có những hành vi nổi loạn, bất cần, hay bị lôi kéo bởi các đối tượng xấu.
Thượng tá Trần Xuân Nghiệp, Phó Trưởng Công an huyện Phú Bình, cho biết: Để thanh thiếu niên phạm tội thì trách nhiệm trước hết thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội. Do đó, các đơn vị giáo dục, cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể cần tăng cường hơn nữa trong việc định hướng, giáo dục lối sống, văn hóa, đạo đức cũng như nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên và học sinh. Đặc biệt, các gia đình cần phải sát sao trong việc quản lý, nắm bắt tâm sinh lý của con em mình và phải là nơi nương tựa để các em có thể gửi gắm niềm tin, chia sẻ những khúc mắc trong cuộc sống...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin