Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên (ĐHTN), khi trao đổi với báo chí luôn nhấn mạnh: Sự ra đời của ĐHTN 30 năm trước là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ nhằm hình thành nên những trung tâm đào tạo lớn, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển của đất nước, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, làm việc với Hội đồng Đại học Thái Nguyên về đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ cho tỉnh. |
Nhà thơ Tố Hữu viết: “Ta sẽ khai những mỏ dầu, mỏ sắt/Đóng những con tàu đi khắp đại dương/Nhưng phải luyện những con người đẹp nhất/Biết căm thù và biết yêu thương”… Và tôi nghĩ về ĐHTN trong nhiệm vụ cao cả “Luyện những con người đẹp nhất”…
Hòa bình lập lại, miền Bắc bắt tay vào công cuộc xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội. Thái Nguyên trở thành một trung tâm vùng núi phía Bắc và đào tạo nguồn nhân lực là một lĩnh vực được quan tâm.
Đến những năm 1980, Thái Nguyên đã trở thành một trung tâm đào tạo và ứng dụng lớn với các trường đào tạo bậc đại học: Sư phạm, Y dược, Nông nhiệp, Công nghiệp… và gần 20 trường đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp và công nhân kỹ thuật. Sinh viên ra trường nhanh chóng phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc một cách hiệu quả.
Đất nước trên đường đổi mới và phát triển, việc thành lập ĐHTN nhằm nâng cao tầm vóc một đại học vùng, tăng cường quy mô và chất lượng đào tạo như mệnh lệnh của cuộc sống. Vậy là năm 1994 đánh dấu sự ra đời của ĐHTN.
Ra đời trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, con người phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu khoa học, sinh hoạt còn nghèo nàn, lạc hậu. Mô hình đại học vùng cũng chưa có tiền lệ… lãnh đạo công tác Đảng, chuyên môn của ĐHTN qua các thời kỳ đã nỗ lực để vượt qua khó khăn. Do vậy, đơn vị đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, khẳng định sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc thành lập các đại học vùng; góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.
Những hoạt động tập thể của sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. |
Sau 30 năm xây dựng và phát triển (1994-2024), ĐHTN đã đạt được nhiều kết quả xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao. Các cán bộ do ĐHTN đào tạo đã phát huy tốt kiến thức chuyên môn, năng lực thực tiễn, nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo cấp Trung ương, cán bộ chủ chốt của nhiều địa phương, doanh nghiệp.
ĐHTN tự hào đến nay có 13 người là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (riêng khoá XIII, nhiệm kỳ 2020-2025, có 6 đồng chí); nhiều đồng chí đảm nhiệm trọng trách cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, doanh nhân tiêu biểu, chủ tịch hội đồng quản trị của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn; những nhà giáo, thầy thuốc… đóng góp to lớn cho sự nghiệp chung.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang thì kết quả đạt được là do Đại học và 15 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác khá chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Hoạt động đào tạo của ĐHTN đã khẳng định vai trò cốt yếu trong hệ thống, có tác động lớn trong phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, trong nước và quốc tế.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, trong cảm súc tự hào, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐHTN, thông tin: Ba thập kỷ phấn đấu, ĐHTN đã cung cấp cho đất nước khoảng 200.000 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học. Đặc biệt là đã có 520 lưu học sinh nước ngoài tốt nghiệp đại học và 187 lưu học sinh nước ngoài tốt nghiệp thạc sĩ. Trên 30% số người học tốt nghiệp là người dân tộc thiểu số…
Với quan điểm “Nhà trường đến với người học” và trách nhiệm của một đại học vùng, việc thành lập và phát triển của 2 phân hiệu tại các tỉnh biên giới phía Bắc (Lào Cai và Hà Giang) khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của ĐHTN trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng “phên dậu” của Tổ quốc.
Những hoạt động tập thể của sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. |
Phân hiệu tại tỉnh Lào Cai thành lập chưa được 10 năm, hiện đào tạo 9 mã ngành, trong đó 8 mã ngành ở trình độ đại học, gồm: Quản lý tài nguyên và môi trường, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Khoa học cây trồng, Chăn nuôi, Giáo dục mầm non, Giáo dục yiểu học, Ngôn ngữ Trung Quốc, Kinh tế và 01 mã ngành trình độ cao đẳng là Giáo dục mầm non.
Cho đến thời điểm này, phân hiệu ĐHTN tại Lào Cai đã đào tạo, bồi dưỡng 5.325 sinh viên; hệ vừa làm vừa học, liên thông trình độ đại học 667 học viên; bồi dưỡng tiếng dân tộc, kỹ thuật nông nghiệp, du lịch… cho 13.301 học viên.
Việc thành lập 2 phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai và Hà Giang đã lan tỏa giá trị của giáo dục đại học đến vùng sâu, vùng xa, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, góp phần tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của vùng…
Khi được hỏi về sự phát triển của Đại học Thái Nguyên từ thập niên thứ tư trở đi, Giáo sư Phạm Hồng Quang cho biết: Từ đánh giá toàn diện kết quả 30 năm đào tạo, ĐHTN xác định hướng đi lâu dài là tạo chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hướng tới mô hình đại học xanh, phấn đấu đến năm 2044 - nửa thế kỷ thành lập, ĐHTN nằm trong tốp 500 trường đại học hàng đầu châu Á và cơ cấu đại học nghiên cứu, nghiên cứu ứng dụng theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực hoàn thiện.
Hành trang trên con đường đi tới của ĐHTN có bề dày truyền thống cống hiến 30 năm và sức mạnh tuổi trưởng thành.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin