Bộ Giao thông Vận tải: Không để xảy ra tình trạng chuyển nhượng thầu trái pháp luật

TNĐT 16:34, 13/02/2023

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án của Bộ kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của hợp đồng, của pháp luật đối với các nhà thầu vi phạm sử dụng nhà thầu phụ, chuyển nhượng thầu…

Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Vietnam+)
Nhà thầu thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị được bộ giao là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Sở GTVT các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong triển khai, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng do bộ quyết định đầu tư.

Theo đó, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị được Bộ GTVT  giao thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc đã có nhiều nỗ lực, đảm bảo chất lượng, phát huy được hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, một số hạn chế vẫn còn tồn tại trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu, hệ thống định mức, tiến độ. Đặc biệt, tại một số dự án có dấu hiệu chuyển nhượng thầu trái quy định.

Để nâng cao chất lượng và siết chặt kỷ cương, trách nhiệm, chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời các dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng thời gian tới, Bộ GTVT đề nghị các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, thực hiện các dự án tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Đồng thời, thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GTVT liên quan đến công tác quản lý chất lượng, tiến độ thi công, siết chặt kỷ cương, trách nhiệm trong quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Văn bản nêu rõ: “Các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Thực hiện đúng quy định đối với việc lập, thương thảo và ký hợp đồng, đảm bảo chặt chẽ, đầy đủ và rõ ràng các điều khoản về quyền, trách nhiệm của các bên có liên quan, nhất là đối với nội dung điều chỉnh giá.

Ngoài ra, quản lý chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng đã ký kết, thường xuyên kiểm tra, rà soát danh sách toàn bộ nhà thầu chính, thầu phụ, giá trị và nội dung hợp đồng, các hợp đồng thuê nhân công, thiết bị, các đơn vị, tổ đội đã và đang tham gia thực hiện các dự án trên công trường, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của hợp đồng, của pháp luật đối với các nhà thầu vi phạm sử dụng nhà thầu phụ, chuyển nhượng thầu… tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chuyển nhượng thầu trái pháp luật”, Bộ GTVT yêu cầu.

Bộ GTVT cũng giao Cục Quản lý đầu tư xây dựng chủ trì làm việc với Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch Đầu tư) để làm rõ các căn cứ, quy định liên quan đến hành vi chuyển nhượng thầu trái quy định pháp luật (nếu cần) làm cơ sở kiểm tra, giám sát.

“Trên cơ sở thông tin do các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, doanh nghiệp dự án báo cáo, Cục Quản lý xây dựng phải tăng cường công tác kiểm tra, tham mưu Bộ xử lý hoặc chỉ đạo xử lý nghiêm đối với các nhà thầu vi phạm nội dung hợp đồng đã ký kết, theo đúng quy định pháp luật.

Cùng đó, phải tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu của các Chủ đầu tư để lựa chọn các nhà thầu có năng lực phù hợp với yêu cầu của công trình, dự án, bảo đảm dự toán tính đúng, tính đủ, giảm thiểu tối đa việc điều chỉnh, bổ sung, phát sinh trong quá trình thực hiện”, văn bản nêu rõ.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục cấp phép, gia hạn giấy phép, nâng công suất khai thác mỏ vật liệu đảm bảo đúng quy định của pháp luật, rà soát các phương án tận dụng vật liệu trong quá trình thi công.

“Quá trình quản lý, giám sát, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhà thầu sử dụng các vật liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng đưa vào thi công tại các dự án, công trình”, văn bản của Bộ GTVT nhấn mạnh.