Dù chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ nữ giới vi phạm khi điều khiển phương tiện, song, theo đại diện Cục CSGT (Bộ Công an), hiện có nhiều trường hợp phụ nữ vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới bị phát hiện và xử lý.
Phụ nữ sử dụng rượu, bia càng làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông. |
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội, từ ngày 14/12/2022 đến 6/2/2023, lực lượng CSGT Công an TP đã kiểm tra, xử lý hơn 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 57 tỷ đồng; tạm giữ hơn 10.000 phương tiện các loại, trong đó có 1.578 ô tô.
Số lượng người vi phạm ở mức vượt quá 0,4 mg/L khí thở (mức kịch khung) là 1.524 trường hợp (chiếm 15,1%). Đáng chú ý, tại nhiều địa phương, lực lượng chức năng ghi nhận các trường hợp vi phạm nồng độ cồn là nữ giới.
Tối 10/2, theo chân Tổ công tác Y14/141, Công an TP Hà Nội lập chốt kiểm tra vi phạm nồng độ cồn tại nút giao Quán Sứ - Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), phóng viên Báo Tin tức ghi nhận tất cả người điều khiển phương tiện có biểu hiện đã sử dụng rượu, bia đều được lực lượng CSGT xử lý nghiêm.
Thiếu tá Nguyễn Văn Khương, Đội phó Đội CSGT đường sắt, Tổ trưởng Y14/141, cho biết, đơn vị được quán triệt xử lý nghiêm, không có chuyện xin xỏ, bỏ qua vi phạm, đặc biệt liên quan đến nồng độ cồn và người điều khiển phương tiện là nữ giới. Riêng đợt cao điểm vừa qua, tổ công tác của đơn vị cũng đã ghi nhận hơn 10 trường hợp vi phạm là phụ nữ điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia.
Thông tin thêm về các trường hợp vi phạm nồng độ cồn là nữ giới, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, khẳng định: "Đã có trường hợp nữ lái xe gây tai nạn giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn. Dù là nam hay nữ, khi đã sử dụng rượu bia mà vẫn lái xe thì nguy cơ gây tai nạn giao thông đều ngang nhau và hậu quả sẽ lường. Vì lẽ đó, trong các cuộc họp, Phòng CSGT Hà Nội quán triệt việc xử lý vi phạm nồng độ cồn phải được thực hiện nghiêm chỉnh, quyết liệt, kể cả người điều khiển là nữ giới cũng không bỏ qua”.
Nói về mức độ gia tăng tỷ lệ nữ giới vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, bà Ngô Thị Ngọc Anh, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, cho rằng, lâu nay các chiến dịch truyền thông hạn chế tác hại của bia rượu thường hướng đến nam giới, mà chưa có những kế hoạch cụ thể hướng đến đối tượng là phụ nữ. Từ thực tế kết quả kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới cho thấy, đã đến lúc, các kế hoạch tuyên truyền, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông không còn là “đặc quyền” của nam giới.
Trước đó vào tháng 6/2022, Bộ Công an và Cục CSGT đã triển khai Kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Kế hoạch gây ra một làn sóng ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng nhân dân khi có nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra trên địa bàn cả nước, mà nguyên nhân do lái xe trước đó sử dụng rượu, bia. Cho đến nay, kế hoạch này vẫn đang được Công an các đơn vị triển khai.
Người dân cả nước đánh giá cao đợt tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn trong các dịp lễ, Tết, làm cơ sở góp phần bảo đảm an toàn giao thông.
Đây cũng là kết quả từ quyết tâm, nỗ lực của lực lượng CSGT, góp phần rất tích cực trong kéo giảm tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông liên quan tới hành vi lái xe sau sử dụng rượu, bia nói riêng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin