Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5):
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển bền vững

TS. Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ 06:31, 18/05/2023

Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) ra đời đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất và đồng bộ cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Nhìn lại 10 năm thực hiện Luật, hoạt động KH&CN của tỉnh Thái Nguyên đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

TS. Phạm Quốc Chính (thứ 2 từ bên trái), Giám đốc Sở KH&CN, chỉ đạo việc thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại Công ty Xăng dầu Bắc Thái.
TS. Phạm Quốc Chính (thứ 2 từ bên trái), Giám đốc Sở KH&CN, chỉ đạo việc thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại Công ty Xăng dầu Bắc Thái.

Sở KH&CN đã chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về KH&CN phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh, như: Chương trình hành động số 29-Ctr/TU ngày 04/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 25/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Sở đã ban hành 25 chương trình, đề án, kế hoạch hoạt động KH&CN nhằm cụ thể hóa định hướng, nội dung, nhiệm vụ hoạt động KH&CN trong từng thời kỳ. Đó là những định hướng lớn và dài hạn cho hoạt động KH&CN của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Sở KH&CN là đơn vị sớm tổ chức triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN được đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ. Trong đó, đối với công tác quản lý khoa học, chất lượng nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ được đánh giá cao, 100% nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu đều có tính ứng dụng.

Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh với cơ chế khoán kinh phí được triển khai áp dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học trong việc thực hiện các thủ tục tài chính.

Công tác quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Việc thẩm định, tham gia ý kiến về công nghệ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh được chú trọng, đã ngăn chặn kịp thời những công nghệ lạc hậu, công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Công tác quản lý sở hữu trí tuệ đã tập trung hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tạo lập, phát triển tài sản trí tuệ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, hàng hóa; góp phần nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Sở đã hỗ trợ các địa phương đăng ký bảo hộ 13 tài sản trí tuệ. Đặc biệt là đã đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận và xử lý 1.471 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài ra, công tác quản lý an toàn bức xạ hạt nhân, quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, công tác thông tin, thống kê, thanh tra KH&CN, hoạt động KH&CN cấp huyện, cấp cơ sở cũng được tăng cường.

Các hoạt động nghiên cứu triển khai, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống đã đem lại nhiều kết quả nổi bật. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhiệm vụ KH&CN tập trung vào nghiên cứu áp dụng các công nghệ sản xuất an toàn; nghiên cứu khả thi và xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp; nghiên cứu xây dựng và mở rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kinh tế trang trại, gắn với công nghiệp chế biến và sản xuất hàng hoá… Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hữu cơ.

Trong lĩnh vực y tế, các nhiệm vụ KH&CN với nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong điều trị đã được ứng dụng, như: Ứng dụng phẫu thuật tim hở; nghiên cứu ứng dụng hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; ứng dụng quy trình ghép thận từ người cho sống... góp phần tích cực vào công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân…

Những kết quả đạt được trong hoạt động KH&CN đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh ngày càng tăng, vượt mục tiêu của Chương trình hành động số 29-Ctr/TU ngày 04/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. 

Tỉnh Thái Nguyên xác định phương hướng của hoạt động KH&CN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, là: Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất và đời sống; Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp KH&CN, từng bước hình thành các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Khuyến khích, hỗ trợ việc hình thành và phát triển các tổ chức tư vấn, dịch vụ chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, tăng tỷ lệ thương mại hóa các sản phẩm KH&CN; Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN.   

Theo đó, trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là: Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách trong quản lý hoạt động KH&CN; Tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ hạt nhân; thông tin và thống kê KH&CN; Tăng cường các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ; Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ tại các doanh nghiệp; Ưu tiên thực hiện đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN, nghiên cứu, phát triển công nghệ nền tảng và các công nghệ cao; Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; Phát triển tiềm lực KH&CN; Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực KH&CN.