Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ

Thu Nga 07:41, 17/05/2023

Nhằm thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN), tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Và với vai trò là cơ quan chuyên môn, thời gian qua, Sở KH&CN luôn quan tâm đến việc phát triển các doanh nghiệp KH&CN tiềm năng, nhằm phát triển thị trường KH&CN.

Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ làm việc với Công ty CP Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet (TP. Phổ Yên).

Nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển thị trường KH&CN, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản triển khai.

Theo đó, thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 113 triển khai thực hiện, cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Đề án 844 phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của địa phương. Sở KH&CN đã tham mưu với tỉnh ban hành Quy định về nội dung và mức chi thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tổ chức các hội thi, cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên.

Sở KH&CN đã hướng dẫn thành lập các doanh nghiệp KH&CN với nhiều nội dung, như: Thực hiện nghiệm thu, đánh giá các nhiệm vụ KH&CN không sử dụng ngân sách Nhà nước có đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp KH&CN của tỉnh; triển khai các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức, chính sách về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo, diễn đàn; cung cấp thông tin về công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân phục vụ hoạt động khởi nghiệp...

Từ những hoạt động tích cực trên, toàn tỉnh đã thành lập được 6 doanh nghiệp KH&CN với 22 sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN, gồm: Công ty CP Tập đoàn Đức Hạnh Marphavet, Công ty CP khoa học Sự Sống, Công ty TNHH Y học Bản địa Việt Nam, Công ty CP Phát triển nông lâm nghiệp và Môi trường Việt Nam, Doanh nghiệp tư nhân Thái Long, Công ty CP nông nghiệp HDT.

Các doanh nghiệp này đều đã được Sở KH&CN cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN và có sản phẩm chủ yếu được hình thành từ việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH&CN. Hầu hết các doanh nghiệp đều có sự tham gia của cán bộ KH&CN từ các trường đại học, viện nghiên cứu... trong và ngoài tỉnh, đảm bảo cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, hoạt động đổi mới công nghệ để sản xuất sản phẩm mới có chất lượng; khai thác hiệu quả các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN, góp phần sản xuất - kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các doanh nghiệp KH&CN còn gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp KH&CN và sản phẩm của doanh nghiệp. Mặt khác, doanh thu từ sản xuất -  kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN còn thấp hoặc không có…

Nhằm thúc đẩy thị trường KH&CN, thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi và chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Sở KH&CN cũng tiếp tục đề xuất các giải pháp nhằm tăng doanh thu từ sản xuất - kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN cho doanh nghiệp tại địa phương… Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm và kết nối tạo chuỗi liên kết đa ngành trong các sản phẩm KH&CN. Đặc biệt, tập trung hỗ trợ xây dựng thương hiệu mạnh theo nhóm ngành, lĩnh vực KH&CN dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và các địa phương.