Đưa khoa học - kỹ thuật vào mô hình V-A-C truyền thống

Sông Hương 09:48, 21/08/2023

Thời gian qua, Hội làm vườn tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng (V-A-C).

Nhờ thường xuyên cập nhật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, mô hình phát triển VAC của gia đình ông Hoàng Văn Phước, xóm Giếng Mật, xã Tân Hòa (Phú Bình) cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ thường xuyên cập nhật, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mô hình V-A-C của gia đình ông Hoàng Văn Phước, ở xóm Giếng Mật, xã Tân Hòa (Phú Bình) cho hiệu quả kinh tế cao.

Bà Đào Thị Dung, Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh, cho biết: Hiện nay, Hội có gần 36.000 hội viên, sinh hoạt tại 1.658 chi hội. Phát huy vai trò của mình, chúng tôi thường xuyên chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành Nông nghiệp, các địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật; tham quan, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm vườn, chăn nuôi cho hội viên.

Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Hội làm vườn tỉnh đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng bằng phân hữu cơ cho 300 hội viên ở các xã: Hợp Thành, Cổ Lũng và thị trấn Giang Tiên (Phú Lương); xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên); xã La Hiên (Võ Nhai). Qua các lớp tập huấn, hội viên, nông dân biết cách ủ phân hữu cơ vi sinh chăm bón cây trồng. Cách thức chăm bón này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất thấp, tăng năng suất, chất lượng và cho nông sản sạch. Ngoài ra, các học viên tham gia lớp tập huấn còn được hướng dẫn thực hành và phát chế phẩm vi sinh để ủ, phối trộn với phế thải nông nghiệp.

Ở lĩnh vực chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, Hội làm vườn tỉnh đã triển khai 3 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 155 hội viên. Theo đó, học viên được trao đổi kinh nghiệm phòng trừ các loại bệnh thường gặp trên gia súc, gia cầm, như: hướng dẫn hội viên chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, ít mắc dịch bệnh, sinh trưởng tốt; sử dụng thuốc thú y. Đặc biệt giảm lượng tồn dư thuốc kháng sinh, tạo nên sản phẩm thịt an toàn.

Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học của hội viên Trần Đức Hoàn, xóm Gốc Vối, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên) là một ví dụ. Thông qua áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đàn gà của gia đình ông Hoàn sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ gà nuôi sống đạt trên 98% (gà trống đạt trọng lượng trung bình 2,6kg/con, gà mái đạt trọng lượng trung bình 1,8kg/con).

Còn ông Hoàng Văn Phước, xóm Giếng Mật, xã Tân Hòa (Phú Bình), chia sẻ: Trước đây, tôi đầu tư chăn nuôi manh mún nên thu nhập không cao. Sau khi tham gia Hội làm vườn, tôi được hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, có cơ hội học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế gia trại tổng hợp, nên sản xuất thuận lợi hơn. Hiện nay, gia đình tôi đang phát triển mô hình V-A-C-R, với 10 con hươu sao lấy nhung, 40 thùng ong mật và vườn rừng, mỗi năm cho thu nhập trên 400 triệu đồng.

Theo bà Vũ Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội làm vườn huyện Phú Bình: Ngoài liên kết tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật, Hội còn hướng dẫn hội viên đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử để tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn, giúp nâng cao hiệu quả các mô hình V-A-C, tăng thu nhập cho người dân.

Bà Đào Thị Dung, Chủ tịch Hội làm vườn tỉnh cho biết thêm: Thời gian tới, Hội tập trung vào các hoạt động: tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên; cung ứng, hỗ trợ giống, vốn, vật tư phân bón; mở rộng mô hình kinh tế gia đình; hướng dẫn ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy nông sản giao dịch trên sàn thương mại điện tử...

Thời gian tới, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên gia, hỗ trợ tăng cường vai trò hoạt động của tổ chức Hội làm vườn các cấp nhằm xây dựng thêm các mô hình V-A-C kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Vị, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh