Hồng Việt Cường là loại cây đặc sản, được trồng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Kết quả điều tra cho thấy, diện tích trồng hồng Việt Cường vào năm 1987 là 605ha. Tuy nhiên, diện tích này đã sụt giảm theo thời gian và chỉ còn khoảng 41ha vào năm 2019. Trước tình hình đó, năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu với UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện đề tài “Bảo tồn nguồn gen cây hồng Việt Cường, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên”.
Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra, nghiệm thu mô hình trồng mới giống hồng Việt Cường trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. |
Giống hồng Việt Cường có nguồn gốc tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và được người dân mang về trồng tại tổ dân phố Việt Cường, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Quả của loại cây này thuộc nhóm hồng ngâm, ít hoặc không có hạt, trọng lượng quả trung bình 234,9 gam/quả. Khi quả chín, thịt có màu vàng đỏ, giòn, thơm, vị ngọt thanh khi ngâm. Ngược lại, khi giấm chín, thịt quả hồng lại mềm, thanh ngọt. Thời gian chín khoảng trung tuần tháng 8 Âm lịch.
Giống hồng Việt Cường được coi là sản phẩm đặc sản của huyện Đồng Hỷ, được đánh giá là cây trồng có giá trị kinh tế cao. Giá hồng Việt Cường có thời điểm lên tới 100.000 đồng/kg. Đây là loại quả được nhiều khách hàng ưa chuộng, sản phẩm không đủ cung cấp so với nhu cầu của người tiêu dùng.
Qua điều tra thực trạng sản xuất cây hồng Việt Cường tại Thái Nguyên cho thấy, trước kia, hồng Việt Cường được trồng ở nhiều xã của huyện Đồng Hỷ. Nhưng do người dân không có kỹ thuật chăm sóc, thường để tự nhiên, ít bón phân nên năng suất quả rất thấp. Những năm trước đây, do tình trạng rụng quả và thoái hóa giống khiến năng suất quả giảm, chất lượng quả thấp khiến nhiều vườn hồng bị mất trắng, nhiều hộ dân chặt bỏ và thay thế cây trồng khác.
Diện tích hồng Việt Cường ngày càng giảm, dẫn đến nguy cơ bị mất dần trong sản xuất. Diện tích còn lại được trồng không tập trung, mỗi nhà có từ 2-5 cây với mục đích phục vụ gia đình.
Cây hồng Việt Cường trưởng thành và thời điểm quả non. |
Đề tài “Bảo tồn nguồn gen cây hồng Việt Cường, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên” được thực hiện từ tháng 8-2019 đến tháng 7-2022, do Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) chủ trì thực hiện. Đề tài có mục tiêu xác định chính xác nguồn gen giống hồng Việt Cường bằng chỉ thị phân tử, từ đó, lựa chọn cây đầu dòng làm tiền đề nhân giống và tạo vườn giống gốc. Trong quá trình triển khai đề tài, nhóm thực hiện đã xác định được nguồn gen giống hồng Việt Cường. Từ đó lựa chọn cây đầu dòng làm tiền đề nhân giống và tạo vườn giống gốc.
Thông qua quá trình điều tra, đánh giá và thu thập thông tin, nhóm thực hiện đề tài đã chọn ra 25 cây hồng để tiến hành lập hồ sơ theo dõi đánh giá. Kết quả đã tuyển chọn được 22 cây hồng Việt Cường ưu tú nhất tiến hành đánh dấu, chăm sóc, theo dõi về tình hình sinh trưởng, ra hoa, đậu quả và sâu bệnh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên), Chủ nhiệm Đề tài: Sau 3 năm triển khai thực hiện, đề tài đã điều tra, đánh giá và tư liệu hóa về thực trạng sản xuất, tiềm năng thị trường của giống hồng bản địa Việt Cường tại Thái Nguyên; lựa chọn, lưu giữ các cây đầu dòng nhằm mục đích nghiên cứu bảo tồn và nhân giống phát triển thương mại...
Đặc biệt, dựa trên kết quả nghiên cứu, đề tài đã xây dựng quy trình và mô hình nhân giống hồng Việt Cường, với quy mô 5.000 cây/năm; xây dựng thành công mô hình trồng mới giống hồng Việt Cường với diện tích 5ha tại huyện Đồng Hỷ.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc bảo tồn, lưu giữ giống cây ăn quả đặc sản có vai trò quan trọng. Kết quả của đề tài sẽ phần nào lưu giữ và mở rộng thêm diện tích trồng hồng Việt Cường để phát huy tiềm năng, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện thành công Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin