Tỉnh ta có tổng diện tích ao, hồ hơn 7.000ha, cộng với 12.000ha mặt nước các sông, suối, là điều kiện thuận lợi để bà con nông dân trong tỉnh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Tận dụng tiềm năng này, thời gian qua, nhiều hộ dân đã tích cực đưa các giống mới, có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của địa phương vào nuôi trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhận thấy nguồn nước tại hồ Núi Cốc xanh trong với nồng độ ôxy hòa tan cao, nồng độ khí độc thấp và độ PH ổn định, từ năm 2016, gia đình ông Nguyễn Danh Tuyên, ở xóm Tân Lập, xã Tân Thái (Đại Từ) đã mạnh dạn thuê 1 phần mặt nước hồ để nuôi cá lồng. Từ quy mô nuôi ban đầu là 10 lồng, đến nay, gia đình ông đã tăng lên 50 lồng nuôi cá lăng, mỗi lồng có trung bình 900 con. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tuyên chia sẻ: Đến thời điểm này, nhà tôi đã bỏ ra chi phí hơn 2 tỷ đồng để đầu tư nuôi cá.
Không như những giống cá thông thường như chép, trắm, rô phi… chỉ sau 1 năm là có thể cho thu hoạch, đối với giống cá lăng, phải từ 18-24 tháng mới đạt trọng lượng trung bình 3 kg/con. Tuy nhiên, nuôi cá lăng lại có ưu điểm là tận dụng được các loại cá tạp trong hồ Núi Cốc để làm thức ăn, giảm chi phí. Ngoài ra, với giá bán trung bình 100 nghìn đồng/kg, giá cá lăng cũng cao hơn các loại cá thông thường từ 30.000-40.000 đồng/kg. Từ năm 2016 đến nay, nhà tôi đã thu hoạch được 2 lứa cá, đạt khoảng 25 tấn, thu về trên 2,5 tỷ đồng.
Khác với gia đình ông Tuyên, gia đình ông Trần Ngọc Phúc, ở xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ) tận dụng nguồn nước mát lành chảy từ khe suối dưới chân núi Tam Đảo để nuôi cá tầm. Ông Phúc cho biết: Nhà tôi hiện có 4 bể nuôi cá tầm với thể tích khoảng 150m3, quy mô nuôi trên 1.500 con, trong đó, có 50 con với trọng lượng từ 20-30 kg/con. Cá tầm cũng phải nuôi từ 18-24 tháng mới đạt trọng lượng 2,5-3 kg/con, trung bình mỗi năm, nhà tôi thu được 3 tấn cá, với giá bán trung bình 270.000 đồng/kg. Nuôi cá tầm không phải mất nhiều công chăm sóc, chủ yếu cần đảm bảo cung cấp đủ nguồn thức ăn và nước sạch thì cá sẽ ít bị nhiễm dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Cá tầm là loại cá đặc sản, được chế biến thành nhiều món như: Gỏi, chiên, nướng… phù hợp với thị hiếu của khách hàng nên hiện tại, chúng tôi không phải lo về đầu ra sản phẩm.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài 2 cơ sở nói trên, toàn tỉnh hiện còn có một số hộ dân, hợp tác xã đầu tư nuôi cá trên các hồ chứa lớn như: Ghềnh Chè (T.P Sông Công), Kim Đĩnh (Phú Bình), Bảo Linh (Định Hóa), Nước Hai (T.X Phổ Yên)… Cụ thể, diện tích nuôi ao hồ nhỏ khoảng 2.150ha, diện tích nuôi hồ thủy lợi gần 4 nghìn ha, diện tích nuôi cá ruộng kết hợp cấy lúa 200ha, nuôi cá lồng đạt thể tích 50.000m3. Để hoạt động nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đạt hiệu quả, những năm qua, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Chỉ tính riêng năm 2020, tỉnh quyết định hỗ trợ 20 vùng sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung với mức hỗ trợ 60% giá cá giống chất lượng cao (không quá 80 triệu đồng/tổ hợp tác, hợp tác xã); hỗ trợ 100% kinh phí quan trắc cảnh báo môi trường dịch bệnh thủy sản; hỗ trợ 100% hoạt động tập huấn, tuyên truyền, thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các sông, hồ lớn trên địa bàn.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng, chuyển giao một số mô hình nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao như: Nuôi trai lấy ngọc trong hồ Núi Cốc (T.P Thái Nguyên), hồ Vai Miếu (Đại Từ)… Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở ương nuôi cá giống cung cấp nguồn con giống đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Hằng năm, chi cục Thủy sản đều tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật cải tạo ao nuôi, thả cá, chăm sóc để bảo đảm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Tận dụng diện tích mặt nước hồ Núi Cốc, gia đình ông Nguyễn Danh Tuyên, ở xóm Tân Lập, xã Tân Thái (Đại Từ) đầu tư hơn 2 tỷ đồng để nuôi 50 lồng cá lăng.
Các hoạt động hỗ trợ của tỉnh, đã góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng hằng năm. Nếu như năm 2014, diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh mới đạt hơn 4.000ha, sản lượng đạt 7.700 tấn thì năm 2019 đã tăng lên hơn 6.300ha, sản lượng cũng tăng gấp đôi. Ngoài ra, các đối tượng nuôi cũng được lựa chọn và ngày càng đa dạng, đem lại giá trị cao. Bên cạnh các đối tượng nuôi truyền thống như cá mè, trôi, trắm, chép… các đơn vị, cơ sở, hộ dân đã phát triển và bổ sung thêm các đối tượng nuôi mới như cá tầm, cá lăng, diêu hồng… cho năng suất sản lượng cao, giá trị kinh tế lớn, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đây cũng chính là một trong những kết quả nổi bật của việc thực hiện nội dung tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020.
Mặc dù đạt được kết quả đáng kể, song thực tế, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh còn manh mún, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Sự liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư vào hoạt động chế biến sau khai thác thủy sản để nâng cao giá trị sản phẩm. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh, áp dụng quy trình VietGAP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; có chính sách thu hút doanh nghiệp, hợp tác đầu tư chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Cùng với đó, tập trung phát triển các đối tượng nuôi có chất lượng và giá trị kinh tế cao; tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng con giống...