Phát triển kinh tế ở xã thuần nông

08:47, 16/07/2020

Với đặc thù là xã thuần nông nên trong lãnh đạo phát triển kinh tế, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Lương Phú (Phú Bình) đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là giúp người dân tiếp cận và ứng dụng được tiến bộ khoa học trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó từng bước cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Trao đổi thông tin với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lương Phú cho biết: Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết với những chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế địa phương, trong đó xã đặc biệt chú trọng đến công tác đào đạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, triển khai hiệu quả các nguồn vốn, chương trình xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Trung bình mỗi năm, xã phối hợp với các đơn vị mở 3-5 lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân, qua đó có khoảng 130 người có việc làm mới...

Cùng với các hoạt động trên, Đảng ủy xã cũng chỉ đạo UBND xã và các hội đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân xã đẩy mạnh công tác phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, thực hiện các mô hình liên kết trong đầu tư, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng các vùng sản xuất tập trung hàng hóa…

Theo ông Nguyễn Xuân Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã: Với 200ha đất sản xuất nông nghiệp, hàng năm, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích hợp, hiệu quả. Cụ thể như: Phát triển chăn nuôi tập trung gắn với bảo vệ môi trường; đưa các cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế cao như dưa chuột, ớt xuất khẩu, khoai tây, lạc, địa liền, cây ăn quả vào gieo trồng, đặc biệt chuyển đổi trên các đồng đất trồng lúa kém hiệu quả. Đến nay, tổng diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn xã là 35,7ha, các loại cây màu, cây trồng khác là 75ha. Ngoài ra, Hội cũng tập trung triển khai các mô hình cánh đồng 1 giống, mô hình giống lúa lai năng suất cao, nhờ đó diện tích lúa lai chiếm khoảng 40% tổng diện tích gieo cấy hằng năm…

Bà Dương Thị Mão, 70 tuổi, người dân xóm Lân chia sẻ: Vụ xuân vừa qua, một vài hộ dân trong xóm đã gieo trồng thử nghiệm giống lúa lai VNR20, kết quả thu được 220kg/sào, cao hơn 80kg so với các ruộng bên cạnh gieo cấy giống Khang dân. Vì vậy vụ mùa này tôi tham gia vào Dự án cánh đồng 1,2ha giống VNR20 của xã. Khi cùng gieo trồng một thời điểm, lúa sẽ chín rộ cùng lúc nên chỉ thuê máy làm 1 lần là xong, tiết kiệm cả thời gian và chi phí.

Song hành với việc đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế thì xã Lương Phú cũng quan tâm, tạo điều kiện để 2 hợp tác xã (HTX): Dịch vụ Nông nghiệp Lương Phú và Dịch vụ chăn nuôi Lương Phú phát triển ổn định. Đơn cử như mới đây, xã đã thu hút nguồn vốn 270 triệu đồng để hỗ trợ HTX Dịch vụ nông nghiệp Lương Phú xây dựng nhà lưới ươm cây giống. Chị Ngô Thị Bắc, người dân xóm Việt Ninh chia sẻ: Nhờ có HTX, bà con đều được HTX bao tiêu dưa chuột, ớt với mức giá ổn định; các hộ chăn nuôi thì được mua cám, thuốc thú y với giá ưu đãi, chính vì vậy mà chúng tôi luôn yên tâm lao động, sản xuất.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo củaxã Lương Phú từ 5,83% (năm 2015) xuống còn 2,76 (năm 2019), thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người năm (tăng 20 triệu đồng so với năm 2015). Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, năm 2019, toàn xã có trên 91% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, 12/12 xóm đạt chuẩn khu dân cư văn hóa. Ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: Đó là bước đệm để chúng tôi phấn đấu xây dựng xã Lương Phú ngày càng phát triển và đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025.