Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững

Phạm Ngọc Chuẩn 13:13, 05/11/2022

Hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của tỉnh Thái Nguyên. Từ Chương trình đã xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo bền vững hiệu quả và theo đó là tập quán canh tác lạc hậu của người dân được thay thế bằng tư duy khoa học tiên tiến, hướng đến sản xuất tập trung, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Từ mô hình chăn nuôi gà theo quy mô trang trại (10.000 con/lứa), gia đình ông Nguyễn Văn Thìn, xóm Làng Trò, xã Phấn Mễ (Phú Lương) có lãi hơn 700 triệu đồng/năm.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều chủ nhân của mô hình kinh tế thu bạc tỷ mỗi năm thường nhắc: Ngày trước mình nghèo lắm, ăn bữa nay, lo bữa mai! Nhờ được tham gia dự án phát triển kinh tế của Nhà nước triển khai tại địa phương, được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và kỹ năng sử dụng vốn vay, chỉ sau ít năm làm lụng, chúng tôi đã thay đổi được số phận của chính mình.

Là một trong những nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021, ông Nguyễn Văn Ba, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), từng bươn trải kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau. Tuy nhiên, sau cùng, ông vẫn quyết định quay trở về với nghề làm miến truyền thống của gia đình.

Để “ăn nên, làm ra” như hiện nay, gần 20 năm trước, ông được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất; cộng thêm tiền vay của người thân được gần 200 triệu đồng, ông đầu tư mua các loại máy móc phục vụ sản xuất nhằm thay thế một phần sức người. Nhờ đó năng suất, chất lượng sản phẩm tăng. Từ 5 năm gần đây, cơ sở sản xuất của gia đình ông Ba đạt doanh thu 22 tỷ đồng/năm.

Bằng các mô hình sản xuất khác nhau, nhiều nông dân Thái Nguyên đã vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Xuân, xóm Phú, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên); mô hình chăn nuôi gia cầm của gia đình ông Nguyễn Văn Thìn, xóm Làng Trò, xã Phấn Mễ (Phú Lương); mô hình sản xuất miến dong của gia đình ông Đặng Văn Tân, xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ)… Các mô hình này cho thu nhập 400-700 triệu đồng/năm, đã trừ chi phí.

Gia đình ông Đặng Văn Tân, xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) có thu nhập 650 triệu đồng/năm từ mô hình sản xuất miến dong.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Bình quân hằng năm, trên toàn tỉnh có gần 96.000 hộ đăng ký tham gia phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét có gần 70.000 hộ đạt tiêu chuẩn. Để đạt được kết quả này, có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và sự động thuận của người dân. Trong đó phải kể đến việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo của tỉnh. Chương trình luôn bám sát thực tiễn, kịp thời hỗ trợ nhanh nhất cho người dân về vốn vay, vật tư sản xuất và khoa học kỹ thuật.

Qua thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG giảm nghèo, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan Thường trực: Hiện, Thái Nguyên có gần 20.600 hộ nghèo, chiếm 6,14%; hơn 16.200 hộ cận nghèo, chiếm 4,83% số hộ của tỉnh.

Thái Nguyên hiện không còn địa phương thuộc huyện nghèo. Bình quân mỗi năm, trên toàn tỉnh có hơn 21.000 người được đào tạo nghề và được tạo việc làm mới, với mức thu nhập ổn định từ 5 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập phụ thuộc vào trình độ, năng lực của người lao động. Nhiều lao động sau khi tham gia các lớp học nghề, tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, có vốn vay đầu tư kịp thời nên đã tạo dựng được mô hình phát triển kinh tế phù hợp, tăng thu nhập tại chỗ. Qua đó, rút ngắn được khoảng cách về mức sống giữa các khu vực trong tỉnh.

Nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xóm thuộc vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, đối với hộ nghèo, các cấp, ngành chức năng của tỉnh sẽ quan tâm, hỗ trợ về vốn vay, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên thông qua việc xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.


Từ khóa:

giảm nghèo

mô hình

kinh tế