Nỗ lực giữ đà tăng trưởng xuất khẩu

Xuân Hải 06:52, 07/11/2022

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Đặc biệt trong năm 2022, với kim ngạch xuất khẩu dự ước đạt 32,1 tỷ USD, Thái Nguyên tiếp tục duy trì vị trí nằm trong tốp 4 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước với tỷ trọng tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu ở mức cao (10,4%).

Sản xuất tai nghe điện thoại tại Công ty TNHH Glonics Thái Nguyên.

Trong những năm gần đây, Thái Nguyên luôn giữ vị trí tốp đầu về giá trị xuất khẩu trong cả nước, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10-19%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, xuất khẩu của tỉnh vẫn đối mặt với rất nhiều thách thức do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và các biến chủng mới của COVID-19; giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, thép, phân bón trên thế giới và trong nước diễn biến khó lường, khó dự báo, đặc biệt là xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước do sự mất cân đối trong cấu trúc ngành; bất cập về phương thức sản xuất, thị trường, nguồn tài chính, nhân lực…

Theo ông Trần Quang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh: Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu hàng hóa từ phía các đối tác thương mại lớn như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, châu Âu... bị suy giảm đáng kể do lạm phát, suy thoái kinh tế; tình hình chiến sự Nga - Ukraine dẫn đến nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực. Những yếu tố này tạo áp lực lên thu nhập khả dụng của người dân của nhiều nước trên thế giới, khiến cho nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu giảm (thực tế cho thấy, giá trị xuất, nhập khẩu hàng hoá của Thái Nguyên trong quý III/2022 đã giảm 3% so với quý II trước đó).

Mặc dù vậy, với nỗ lực phát triển sản xuất, tận dụng tốt cơ hội và những thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường mới, khai thác tối đa các hiệp định thương mại để duy trì mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 30 tỷ USD (tăng 9% so với năm 2021) được đánh giá là rất khả thi.

90% doanh thu của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đến từ hoạt động xuất khẩu. Trong ảnh: Bốc xếp sản phẩm lên container để xuất khẩu sang các nước Bắc Âu.

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, trong 10 tháng năm 2022, giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt 26,7 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 614 triệu USD, tăng 18%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 26,1 tỷ USD, tăng 13,1%.

Nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 gồm: sản phẩm điện tử khác và phụ tùng đạt 19,4 tỷ USD, tăng 39,9%; phụ tùng vận tải đạt 6,1 triệu USD, tăng 34,1%; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu đạt 263,4 triệu USD, tăng 26,1%...

Đặc biệt, theo dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022 của tỉnh: Dự ước tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thái Nguyên đạt 8,25%, vượt 0,25% so với kế hoạch năm; tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ, bằng 100,3% kế hoạch năm (trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 695 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ và bằng 110,1% so với kế hoạch năm)...

Dẫn đầu nhóm doanh nghiệp xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, có thể kể đến Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Vượt qua những khó khăn, thử thách do dịch bệnh những tháng đầu năm, Công ty đã chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và thị trường xuất khẩu, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty, cho biết: 2022 thực sự là một năm đầy thách thức đối với ngành Dệt may nói chung và TNG nói riêng. Do kinh tế giới còn nhiều bất ổn, nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục các chính sách "thắt lưng buộc bụng" về tài chính, tiết kiệm chi tiêu, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, TNG đã làm tốt công tác dự đoán, dự báo, chủ động tìm kiếm đơn hàng và xuất khẩu các sản phẩm may (áo jacket, găng tay, mũ...) sang những thị trường lớn, như: Mỹ, Pháp, Canada, Hà Lan...

Tính đến cuối tháng 10/2022, TNG đạt doanh thu trên 5.800 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021, bằng 97% kế hoạch cả năm. Với đà tăng trưởng này, Công ty phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2022 trước 40 ngày.

Theo các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Qua phân tích chỉ số giá trị xuất khẩu của Thái Nguyên trong những năm gần đây cho thấy, tỷ trọng tăng trưởng xuất khẩu luôn ở mức cao so với các tỉnh, thành phố tốp đầu. Cụ thể: Năm 2021, tỷ trọng tăng của Thái Nguyên là 19,2%, bỏ xa 3 địa phương là TP. Hồ Chí Minh 1,2%; Bắc Ninh 14,7% và Bình Dương 18%.

Đặc biệt, theo báo cáo Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, ước cả năm, xuất khẩu cả nước đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5% so với năm 2021, cán cân thương mại năm 2022 dự kiến xuất siêu khoảng 1 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu của Thái Nguyên tăng khoảng 10,4% so với năm 2021 và dự kiến xuất siêu tới 11,6 tỷ USD. Đây chính là những đóng góp lớn của tỉnh, góp phần tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế, khẳng định vị thế của Thái Nguyên trên bản đồ xuất khẩu quốc gia.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giá trị xuất khẩu năm 2022, từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường bám sát, dự báo tình hình để tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu, khơi thông thị trường. Đồng thời cảnh báo sớm các vấn đề có thể phát sinh để đảm bảo xuất khẩu tiếp tục giữ đà tăng trưởng bền vững.


Từ khóa:

xuất khẩu

sản xuất

kinh doanh