Khoảng gần 2 tháng trở lại đây, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn do tình hình lạm phát trên thị trường thế giới. Nhiều doanh nghiệp chọn cách nỗ lực quay lại thị trường nội địa để tìm kiếm đơn hàng.
Doanh nghiệp đồ gỗ quay lại phục vụ người tiêu dùng nội địa. |
Doanh nghiệp Việt tìm hướng đi mới
Công ty Cổ phần chế biến gỗ Đức Thành được biết đến là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu với kim ngạch tăng cao hằng năm. Những năm trước, thị trường nội địa chưa phải là thị trường chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, doanh nghiệp này đã chọn hướng quay lại thị trường nội địa.
Bà Lê Hải Liễu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chế biến gỗ Đức Thành, chia sẻ, năm nay bên cạnh xuất khẩu gỗ Đức Thành có triển khai làm hàng hóa nội địa. Những đơn hàng nội địa tạm thời trong giai đoạn này cũng giúp cho nhà máy duy trì sản xuất và công nhân có việc làm.
“Trong giai đoạn xuất khẩu gặp khó khăn thì thị trường nội địa cũng hỗ trợ doanh nghiệp bù đắp doanh thu. Nếu như những năm trước, tỷ trọng xuất khẩu của Gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85-86%, thậm chí có lúc 88% so với tổng doanh thu tại công ty, thì bây giờ chúng tôi đặt ra mục tiêu là năm tới, tỷ trọng nội địa sẽ tăng lên 20%”, bà Liễu chia sẻ.
Để hoàn thành mục tiêu này, Gỗ Đức Thành đang đầu tư cho khâu thiết kế, marketing, quảng bá thương hiệu, chăm sóc các khách hàng nội địa…
Không chỉ Gỗ Đức Thành mà nhiều doanh nghiệp ngành gỗ cũng chọn quay lại thị trường nội địa. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) mới đây xác nhận, nhiều doanh nghiệp trong ngành này đang chịu áp lực lớn vì đơn hàng giảm mạnh. Cụ thể, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỷ USD và mục tiêu 16 tỷ USD trong năm 2022 sẽ khó chạm đến khi đơn hàng liên tục giảm mạnh. Đây là lý do nhiều doanh nghiệp đã chọn hướng quay về thị trường nội địa để bù đắp doanh thu và đơn hàng.
Sản phẩm phục vụ thị trường nội địa phải phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. |
Với ngành dệt may, nếu cuối năm 2021 là thời hoàng kim, thì tới giữa năm 2022, tình hình đã đảo chiều. Khó khăn nối tiếp nhau bởi ngoài đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp còn phải đối mặt với lãi suất cao khiến các nhà máy chịu áp lực lớn về tài chính.
Cụ thể, đơn hàng xuất khẩu tại thị trường truyền thống là Mỹ và châu Âu đã giảm tới 70% nên Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng đang phải linh hoạt thay đổi chiến lược kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, nâng tỷ lệ hàng trong nước lên 30% tổng sản phẩm trong năm nay.
Theo Bộ Công thương, đối với thị trường trong nước, sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, đến nay, thị trường trong nước phục hồi nhanh chóng so với trước đại dịch với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2022 ước đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng cao ở mức 20,5% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%).
Mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng…) có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Lưu thông hàng hóa trên thị trường thuận lợi. Đây là yếu tố thuận lợi kéo doanh nghiệp quay lại với thị trường nội địa.
Đa dạng giải pháp chiếm lĩnh thị trường
Thị trường nội địa Việt Nam tuy tiềm năng, song không dễ chinh phục. Do đó, các doanh nghiệp đang đầu tư cho nghiên cứu thị trường, tìm giải pháp để hàng hóa được người tiêu dùng đón nhận.
Bà Nguyễn Thu Sắc, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Hải Nam, cho hay, doanh nghiệp đang đẩy mạnh các mặt hàng chế biến sẵn để phục vụ cho người tiêu dùng. Đồng thời đa dạng kênh phân phối cả online và offline để phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, quay lại mở rộng thị trường trong nước đang là một hướng đi mới của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, khó khăn và rào cản vẫn hiện hữu khi quay lại thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, chia sẻ, để dành được nhiều hơn nữa thiện cảm cũng như là mối quan tâm của người tiêu dùng trong nước, doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước cũng phải ngang bằng với chất lượng sản phẩm xuất khẩu đi quốc tế. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cần chú ý hơn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) định hướng, giải pháp đầu tiên của doanh nghiệp là thay đổi kết cấu thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp và Vitas đang nỗ lực khuyến cáo các doanh nghiệp phải tìm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc tìm ra ngách của thị trường nội địa, có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam.
Để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư về thị trường trong nước, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước nên tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng. Đồng thời ưu tiên hỗ trợ thủ tục, mặt bằng, vận động doanh nghiệp vào các chương trình bình ổn giá, cũng như khuyến khích nếu doanh nghiệp tham gia sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi… Những điều này sẽ góp phần thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư trên “sân nhà”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin