Năm 2022 được xem như năm bản lề của nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong công tác lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đất nước, Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận cụ thể hóa những đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội.
Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. |
Một trong những dấu ấn đổi mới nổi bật là 6 nghị quyết về phát triển các vùng kinh tế của Bộ Chính trị. Đây là những tiền đề, điểm tựa vững chắc để các địa phương kiến tạo không gian phát triển mới, tạo động lực tăng tốc, bứt phá, hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định phát triển vùng là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong việc phát triển nhanh, bền vững các vùng nói riêng và cả nước nói chung.
Nội dung đổi mới được thể hiện rõ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đó là: Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.
Dấu ấn quyết tâm chính trị
Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Chính trị đã chỉ đạo triển khai kế hoạch tổng kết 6 nghị quyết về phát triển kinh tế vùng được Trung ương ban hành trước đó để tiếp tục có các giải pháp phù hợp bối cảnh, tình hình mới.
Sau khi được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng đề án tổng kết 6 nghị quyết về phát triển vùng kinh tế, làm cơ sở tiến hành xây dựng các nghị quyết mới trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Dù thời gian không nhiều, nhưng quá trình triển khai đã được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, khoa học và sáng tạo, đổi mới.
Ban Chỉ đạo tổng kết các nghị quyết đã xây dựng đề án tổng kết, kế hoạch, lộ trình thực hiện bài bản. Các địa phương nghiêm túc kiểm điểm, đánh giá kết quả đạt được và chưa được trong quá trình thực hiện các nghị quyết. Nhiều hội thảo với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học trong nước và nước ngoài đã tập trung phân tích, tìm ra những “điểm nghẽn”, từ đó đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy các vùng kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xây dựng dựa trên cơ sở tổng hợp các báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của 19 bộ, ngành và 16 địa phương vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; chắt lọc kết quả nghiên cứu về vùng của các viện nghiên cứu, trường đại học; tiếp thu ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà khoa học tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học; kết quả khảo sát thực tế tại các địa phương trong vùng; cập nhật, bổ sung các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về phát triển vùng.
Quá trình xây dựng Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong vùng triển khai đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng.
Ban Kinh tế Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đề án với sự tham gia tích cực của 20 bộ, ngành và 11 địa phương trong vùng. Ban Chỉ đạo đã nỗ lực triển khai đề án trong thời gian rất gấp; hoàn thành báo cáo tổng kết 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp từ báo cáo của các bộ, ngành và địa phương trong vùng, các kết quả nghiên cứu chuyên sâu, khảo sát thực tế, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm…
Tùy tính chất từng vùng, các Ban Chỉ đạo áp dụng phương pháp tổng kết riêng nhằm đánh giá toàn diện, sâu sắc nhất thực tiễn; đưa ra kết quả đầy đủ, chính xác về tiềm năng, lợi thế cũng như rào cản, nút thắt để tìm ra những giải pháp thúc đẩy phát triển hiệu quả. Đối với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Ban Chỉ đạo đã chia các tiểu vùng để tổ chức tổng kết, hội thảo. Với vùng đồng bằng sông Hồng, Ban Chỉ đạo tổ chức hội thảo theo các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, hạ tầng kết nối…
Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, khoa học và sáng tạo, 6 nghị quyết phát triển vùng kinh tế đã đạt yêu cầu về thời gian và chất lượng Trung ương yêu cầu. Ngay sau khi các nghị quyết được ban hành, Trung ương đã tổ chức các hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt.
Tại các hội nghị, Ban cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội đã trình bày chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Đây là một đổi mới của Trung ương nhằm khẳng định mạnh mẽ quyết tâm sớm hiện thực hóa nghị quyết một cách hiệu quả như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, nghị quyết không phải ban hành ra rồi để đấy mà phải thật sự đi vào cuộc sống; nghĩa là phải làm ra của cải vật chất, làm cho đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Không gian và động lực mới
Sáu nghị quyết phát triển các vùng kinh tế của Bộ Chính trị được ban hành trong năm 2022 đã kế thừa những bài học của các nghị quyết vùng trước đó và có nhiều dấu ấn mới quan trọng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quán triệt tại các hội nghị học tập nghị quyết, đó là: ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới.
Trước hết về quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo, các nghị quyết lần này đã kế thừa, bổ sung, phát triển các nghị quyết trước với nhiều nội dung thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm rất cao của Đảng ta quyết tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong phát triển các vùng kinh tế. Phần mục tiêu là nội dung hoàn toàn mới. Các nghị quyết đều xác định rõ mục tiêu phát triển cho từng vùng với hai mốc thời gian cụ thể, từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Về nhiệm vụ và giải pháp, các nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phù hợp Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và bối cảnh tình hình mới.
Những nội dung mới của các nghị quyết phát triển các vùng kinh tế lần này thật sự đã tạo ra không gian và động lực phát triển mới.
Trước hết, các nghị quyết là cơ sở xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia. Một nhiệm vụ quan trọng nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Đây cũng là căn cứ để xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH, đầu tư công và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sáu nghị quyết phát triển các vùng kinh tế năm 2022 đã giúp xác định rõ nội dung về tổ chức không gian phát triển vùng và định hướng liên kết vùng.
Cụ thể, vùng trung du và miền núi phía bắc được phát triển vùng theo hướng xanh, bền vững và toàn diện.
Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc.
Vùng Đông Nam Bộ phát triển năng động, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao.
Những đổi mới trong tư duy về phát triển và liên kết vùng tại 6 nghị quyết cũng giúp các bộ, ban, ngành Trung ương trong xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, phân bổ nguồn lực. Tư duy về liên kết vùng là tư duy chủ đạo, kết nối và dẫn dắt sự phát triển của từng địa phương trong vùng theo một cơ chế điều phối và kết nối hiệu quả nhằm thống nhất về nhận thức và định hướng phát triển vùng, huy động hiệu quả nguồn lực và tăng lợi thế nhờ quy mô; tránh được tình trạng cát cứ, phân mảng, cạnh tranh không lành mạnh, dàn trải trong đầu tư và lãng phí nguồn lực.
Đối với các địa phương, nghị quyết về phát triển vùng kinh tế là không gian phát triển mới, cơ hội mới để phát huy cao nhất tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Sau các hội nghị học tập, quán triệt của Trung ương, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc triển khai các nghị quyết phát triển vùng kinh tế theo đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng” và “dọc ngang thông suốt”.
Chương trình hành động của Quốc hội thực hiện các nghị quyết phát triển vùng kinh tế xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm sẽ lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật khuyến khích, hỗ trợ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng; phối hợp Chính phủ xem xét cân đối bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có tính chất liên kết vùng.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết vùng cũng nêu rõ, thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng, liên vùng để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các “điểm nghẽn”, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Nghiên cứu xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng, liên vùng. Đây sẽ là những nguồn động lực mới giúp các địa phương khai thác tốt nhất các tiềm năng, thế mạnh cùng bứt phá vươn lên…
Căn cứ nội dung nghị quyết và đặc điểm tình hình, các địa phương trong cả nước nỗ lực triển khai hàng loạt nhiệm vụ mới. Cùng với các nghị quyết, kết luận quan trọng trong chỉ đạo phát triển KT-XH của Trung ương thời gian vừa qua, 6 nghị quyết phát triển các vùng kinh tế sẽ là điểm tựa vững chắc để các cấp, ngành, địa phương biến thách thức thành cơ hội, đưa đất nước bứt phá, phát triển nhanh, bền vững. Những bài học từ thực tiễn triển khai các nghị quyết về phát triển các vùng kinh tế cũng sẽ góp phần tiếp tục bổ sung, làm sáng tỏ lý luận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin