Dư nợ tín dụng còn nóng?

Thu Hằng 10:19, 25/02/2023

Sau nhiều tháng việc cho vay của các ngân hàng (NH) bị hạn chế do cạn mức tín dụng được giao, những tưởng bước sang năm 2023, dư nợ tín dụng sẽ tăng cao trở lại. Nhưng điều này lại chỉ diễn ra ở một số ít đơn vị, còn với tổng thể ngành NH thì mức tăng không đáng kể. Nhiều người quan ngại, liệu thị trường tín dụng năm nay có lặp lại “kịch bản” trong năm 2022?

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo nhiều NH thì câu trả lời là "không" hoặc "rất khó xảy ra điều đó".

Trong tháng 2-2023, nhiều ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay và đưa ra gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, đánh giá: Việc cho vay của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là NH năm nay không hề dễ dàng. Nguyên nhân là do mặt bằng lãi suất tuy có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khởi sắc. Cùng với đó là tác động của tình hình kinh tế - chính trị thế giới khiến nhiều doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu gặp khó khăn. Điều này cũng sẽ tác động đến hoạt động đến các doanh nghiệp khác.

Các nhà phân tích nhận định, tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ ở khoảng 13%, thậm chí thấp hơn. Trong khi đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NH Nhà nước đưa ra là từ 14-15% (có điều chỉnh).   

Trở lại với câu chuyện thiếu vốn của năm 2022, đại diện lãnh đạo NH Nhà nước phân tích thêm: Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải hoạt động cầm chừng, hoặc thu hẹp quy mô, thậm chí đóng cửa, nên khi cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới, các cơ sở đều rất cần vốn tái đầu tư, sửa chữa, nâng cấp để tiếp tục hoạt động, trong khi vốn tự có đã bị bào mòn… Ở một số đơn vị, tiền lại nằm ở đất nên chưa hoặc không thể bán ngay được, do thị trường này rơi vào tình trạng ế ẩm từ quý III/2022. Những điều này được xem là nguyên nhân chính khiến nhu cầu vay vốn tăng cao.

Báo cáo từ các tổ chức tín dụng cho thấy: Tính đến hết tháng 1/2023, tổng dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh là 86.910 tỷ đồng, tăng 243 tỷ đồng (tương ứng tăng 0,3%) so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, trong số 29 chi nhánh NH thương mại đang hoạt động, chỉ có 12 NH có mức tăng trưởng dương; số còn lại tăng trưởng âm. Trong số này, có 3 chi nhánh có mức tăng cao (từ 170 đến 327 tỷ đồng) và 3 chi nhánh có mức giảm trên 100 tỷ đồng.

Điều này cho thấy việc tăng dư nợ hiện không còn dễ dàng đối với tất cả các NH. Và theo dự ước, đến cuối tháng 2, dư nợ cho vay toàn tỉnh là 83.500 tỷ đồng, chỉ tăng 0,77% so với cuối năm 2022.

Hiện nay, nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh vẫn đang đối diện với khó khăn. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến việc cho vay vốn của các ngân hàng (ảnh mang tính chất minh họa).

Trước thực trạng được đánh giá là có nhiều khó khăn, để gia tăng dư nợ cho vay, bắt đầu từ khoảng giữa tháng 2, nhiều NH đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay, với mức dao động từ 0,2-1%/năm (tùy NH, kỳ hạn, lĩnh vực và đối tượng khách hàng). Đây cũng là yêu cầu, chỉ đạo của NH Nhà nước nhằm đồng hành, hỗ trợ người vay giảm bớt khó khăn.

Hiện nay, mức lãi suất cho vay thông thường đối với khối NH thương mại cổ phần Nhà nước ở kỳ hạn 5 tháng phổ biến từ 10-10,5%/năm; 8 tháng khoảng 11-11,5%/năm… Còn đối với các NH thương mại cổ phần khác, mức lãi suất cao hơn khoảng 2-3,5%/năm. Cùng với giảm lãi suất cho vay, lãi suất huy động cũng được nhiều NH điều chỉnh giảm mạnh. Hiện, huy động ở kỳ hạn 6-12 tháng của một số NH cổ phần nhỏ đã rời khỏi mốc trên dưới 11%/năm của cuối năm 2022, xuống còn khoảng 8,5-9,5%/năm.

Bà Phan Thị Hằng, Giám đốc NH Bản Việt (Viet Capital Bank) Chi nhánh Thái Nguyên, cho biết: Từ đầu tháng 2 đến hết tháng 4/2023, NH áp dụng chương trình cho vay dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp với lãi suất chỉ 10,5%/năm để hỗ trợ khách hàng sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng… Thời gian áp dụng tối đa 3 tháng kể từ ngày giải ngân.

Ngoài ra, nhiều NH khác như: Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Sacombank, OCB… cũng đưa ra chương trình giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm dành cho những đối tượng khách hàng khác nhau.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là tất cả các lĩnh vực, ngành nghề đều được NH “chào mời”. Theo bà Nguyễn Khuê Chính, Phó Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Thái Nguyên: Theo định hướng của NH Nhà nước, năm nay, BIDV tiếp tục tập trung, ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu; tiêu dùng bất động sản (khách hàng có nhu cầu thật để ở)… Còn những lĩnh vực có rủi ro lớn như chứng khoán, đầu cơ bất động sản vẫn sẽ bị hạn chế.

Đồng tình với định hướng cho vay của ngành NH, ông Trần Bá Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thành Đạt (phường Cam Giá, TP. Thái Nguyên), cho rằng: Ngành NH cần tập trung nguồn vốn cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Tránh như năm  2022, có nhiều thời điểm, doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vay dù còn nhiều hạn mức và đủ hồ sơ. Điều này làm mất đi cơ hội làm ăn của doanh nghiệp…

Có thể nói, thị trường tín dụng năm nay nhiều khả năng sẽ trở lại hoạt động theo đúng quy luật thường thấy, đó là tăng nhẹ trong những tháng đầu năm, dần tăng cao vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, trước bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn như hiện nay, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ nhiều hơn nữa của ngành NH trong việc hạ lãi suất, cũng như đáp ứng đủ nhu cầu vốn.

Cùng với đó là việc sớm tổ chức các hội nghị kết nối NH - doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận với nguồn vốn vay NH. Từ đó kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý, tháo gỡ theo đúng tinh thần chỉ đạo mới đây của Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam.