Nhận thấy địa phương có nguồn nguyên liệu là tre phấn dồi dào, chị Triệu Thị Hiền, dân tộc Dao, ở xóm Mỏ Sắt, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) đã đầu tư sản xuất và phát triển các sản phẩm từ cây trồng này. Nhờ đó, gia đình chị đã thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế và tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương.
Xưởng sản xuất tăm tre, tăm hương của gia đình chị Triệu Thị Hiền tạo việc làm cho nhiều lao động nữ tại địa phương. |
Sinh năm 1978, ở xã Nghinh Tường (Võ Nhai), năm 1997, chị Hiền lập gia đình và theo chồng về sinh sống tại xóm Mỏ Sắt. Với tài sản là ngôi nhà tạm cùng 6 sào ruộng và 2 sào đất vườn, cuộc sống của hai vợ chồng trẻ chỉ dựa vào cấy lúa và đi làm thuê nên thu nhập bấp bênh, không ổn định. Gia đình được xếp vào diện hộ nghèo của xã. Cuộc sống của gia đình bắt đầu thay đổi vào năm 2010, khi chị Hiền tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tiếp cận với các nghề thủ công gắn với lợi thế sẵn có của địa phương là có nhiều tre phấn.
Mong muốn thoát nghèo, chị Hiền đã bàn tính với chồng quyết định lựa chọn nghề làm tăm từ cây tre phấn để phát triển kinh tế. Năm 2011, thông qua Hội Phụ nữ xã, chị được vay nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đồng Hỷ, với số tiền 20 triệu đồng, để mua máy móc, dựng 1 xưởng sản xuất tăm tre nhỏ. Về nguyên liệu, chị dùng ngay cây phấn của vườn nhà và mua thêm của các hộ xung quanh. Ban đầu, chị và chồng sản xuất đũa tre, tăm tre, bán cho các cửa hàng ăn uống, quán tạp hóa nhỏ tại Thái Nguyên. Từ nguồn thu nhập này, đến năm 2013, gia đình chị đã thoát nghèo.
Nhiều năm làm nghề, nhận thấy sản xuất tăm tre có thể phát triển được lâu dài, chị Hiền và chồng tiết kiệm tiền để dần dần mua thêm đất và mở rộng nhà xưởng. Từ năm 2016, ngoài tăm tre, chị và gia đình còn sản xuất thêm chân hương và tận dụng phần tre phế phẩm để làm viên củi nén.
Năm 2017, gia đình chị Hiền đã xây dựng được xưởng sản xuất có diện tích trên 3.000m2, với 30 máy sản xuất tăm tre, tăm làm hương và củi nén. Chị và gia đình cũng tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường, khai thác thêm nhiều khách hàng ở các tỉnh khác, như: Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn, TP. Hà Nội...
Lãnh đạo Hội Phụ nữ xã Hợp Tiến thăm xưởng sản xuất tăm tre, tăm hương của gia đình chị Triệu Thị Hiền (người đứng bên trái). |
Đến nay, sản phẩm tăm tre, tăm hương và củi nén của gia đình đã đứng vững trên thị trường. Trung bình mỗi năm, gia đình chị bán ra trên 40 tấn sản phẩm các loại, với doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng/năm. Qua đó, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, xưởng sản xuất của chị Hiền còn tạo việc làm cho những lao động nữ đã quá tuổi đi làm tại các công ty, nhà máy.
Bà Bàn Thị Nhị, xóm Suối Khách, xã Hợp Tiến, một công nhân đã có 4 năm làm việc tại xưởng sản xuất của chị Hiền, chia sẻ: Ở độ tuổi ngoài 40, chúng tôi rất khó được nhận vào làm ở các công ty khác. Nhưng ở đây chúng tôi được tạo điều kiện để làm việc với thời gian linh hoạt và có mức thu nhập ổn định. Với công việc cắt gióng tre và chia thành các que nhỏ trước khi đưa vào sấy khô, tôi thấy không nặng nhọc và có thể gắn bó lâu dài.
Nhận định về mô hình phát triển kinh tế của chị Hiền, bà Triệu Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hợp Tiến, cho biết: Chị Hiền là tấm gương điển hình về tinh thần chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng. Tấm gương thoát nghèo của chị đã góp phần động viên khích lệ những hội viên còn khó khăn trong xã vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, chị Hiền cũng là hội viên tích cực trong các hoạt động và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phong trào phụ nữ tại địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin