Do giá bán giảm mạnh lại khó tiêu thụ, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển từ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo sang hướng nuôi sinh sản. Với chi phí đầu tư thấp, dễ tiêu thụ, đây là cách duy trì chăn nuôi đại gia súc có hiệu quả tại các xã miền núi trong giai đoạn hiện nay.
Gia đình bà Nhâm Thị Mão, ở xóm Làng Ngòi, xã Động Đạt (Phú Lương) luôn duy trì nuôi 4 con trâu sinh sản trong chuồng. |
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Trâu Vàng, ở xã Lâu Thượng (Võ Nhai) được thành lập năm 2019, có 10 thành viên tham gia, với tổng đàn 24 con trâu, bò. Ban đầu, HTX chăn nuôi cả trâu, bò sinh sản và vỗ béo, nhưng từ 2 năm trở lại đây, các thành viên chỉ chăn nuôi theo hướng sinh sản.
Ông Trần Xuân Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâu Thượng, cũng là một thành viên HTX, chia sẻ: Khi mới thành lập, HTX chăn nuôi 80% là trâu, bò sinh sản và 20% vỗ béo. Vào thời điểm năm 2019-2020, với một con trâu, bò nuôi vỗ béo trong vòng 10 tháng, chúng tôi có thể thu lãi trên 10 triệu đồng. Nhưng bước sang năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo gặp nhiều khó khăn, ít người thu mua, giá bán giảm mạnh. Trung bình 1 con bò mua lúc đầu là 22 triệu đồng, sau một thời gian nuôi vỗ béo và xuất chuồng, bà con lỗ gần 10 triệu đồng.
Cũng vì thế mà từ đầu năm 2022 đến nay, HTX nông nghiệp Trâu Vàng đã chuyển hoàn toàn sang chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Hiện nay, HTX có tổng số 40 con trâu, bò, trong đó có 25 con nái. Nhờ chuyển hướng chăn nuôi kịp thời, năm vừa qua, HTX bán được 15 con bê, nghé và thu lãi trên 200 triệu đồng.
Không giống như HTX nông nghiệp Trâu Vàng, HTX nông lâm nghiệp Tân Long, ở xã Tân Long (Đồng Hỷ) vẫn duy trì chăn nuôi bò theo hướng vỗ béo. Tuy nhiên, thay vì mua bò giống có giá trung bình gần 30 triệu đồng/con như trước đây, từ khoảng 2 năm nay, các thành viên HTX chỉ mua những con có giá từ 15-18 triệu đồng để nuôi vỗ béo.
Chị Lăng Thị Dậu, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Tân Long, lý giải: Trước đây, khi bò thương phẩm được giá lại dễ bán, các thành viên trong HTX thường chọn mua những con giống to khỏe, thân hình cân đối, có trọng lượng trung bình khoảng trên 300kg/con để nuôi vỗ béo cho nhanh được bán, cũng vì thế mà giá mua cao. Từ 2 năm gần đây, chúng tôi chuyển sang mua những con gầy hơn do thiếu chất dinh dưỡng, bê con sau cai sữa để giảm bớt chi phí đầu vào. Mặc dù thời gian chăn nuôi kéo dài từ 12 đến 15 tháng, gần gấp đôi so với trước đây, nhưng người chăn nuôi vẫn có lãi.
Cũng nhờ cách làm trên mà vừa qua, gia đình chị Dậu đã bán được 4/5 con bò vỗ béo. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi con bò chị thu lãi được gần 10 triệu đồng sau 13 tháng nuôi.
Không chỉ các HTX, thời gian qua, người chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh đã tích cực thay đổi cách thức chăn nuôi và đem lại thu nhập ổn định. Như gia đình ông Âu Văn Hoan, ở xóm Đoàn Kết, xã Yên Lãng (Đại Từ) hiện nuôi 25 con trâu, trong đó có 8 con nái. Trung bình mỗi năm, ông bán được 6-8 con nghé, cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ông Hoan cho biết: Mặc dù nuôi trâu vỗ béo có thời gian ngắn hơn, nhiều thời điểm bán được giá cao hơn nhưng lại khó tiêu thụ, giá cả không ổn định, chi phí chăm sóc tốn kém hơn so với nuôi trâu sinh sản. Vì vậy, thay vì nuôi song song cả trâu sinh sản và vỗ béo như trước đây, hiện nay gia đình tôi chỉ nuôi trâu sinh sản.
Trâu, bò là loài động vật dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện của địa phương, nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào… Với những ưu điểm đó, thời gian qua, nhiều nông dân trong tỉnh đã đầu tư chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo theo hướng hộ gia đình, gia trại. Cùng với đó, việc bà con thích nghi tốt với nhu cầu thị trường, duy trì sản xuất sẽ góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định, đặc biệt là ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và miền núi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin