Kịp thời hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài 

Hoàng Cường 11:41, 22/04/2023

Sáng 22-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài”. Hội nghị được kết nối đến điểm cầu 63 địa phương và 37 điểm cầu doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cùng dự và đồng chủ trì Hội nghị có 2 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tham dự.

Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, dự tại điểm cầu Thái Nguyên.
Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, dự tại điểm cầu Thái Nguyên.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong 35 năm qua, đầu tư nước ngoài đã khẳng định được vai trò là khu vực kinh tế năng động, đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam... Tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế thế giới còn biến động phức tạp; lạm phát gia tăng; môi trường kinh doanh, đầu tư vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, tạo ra thách thức, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Ảnh: nhandan.vn
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: nhandan.vn

Vì thế, Thủ tướng đề nghị các DN, nhà đầu tư trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ những “điểm nghẽn”, trên nguyên tắc “khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”. Các bộ, ngành, địa phương trao đổi, giải đáp về các đề xuất, kiến nghị của các DN, nhà đầu tư. Trong đó, những khó khăn, vướng mắc giải quyết được ngay thì các bộ, ngành, địa phương phải có câu trả lời rõ ràng; những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì khẩn trương nghiên cứu, chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, hiệu quả...

Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, hiệp hội, DN nhà đầu tư nước ngoài đã phản ánh, kiến nghị Chính phủ và cơ quan chức năng giải quyết nhiều vướng mắc như: Quy định cấp phép lao động cho người nước ngoài cần nới lỏng các yêu cầu (thành phần hồ sơ, người nộp, thời gian giải quyết hồ sơ và các yêu cầu khi tuyển dụng lao động nước ngoài); đề nghị mở rộng chính sách cấp thị thực điện tử, thị thực tại sân bay, đẩy nhanh thời gian giải quyết hồ sơ liên quan đến cấp, gia hạn thị thực; đề nghị sửa đổi các quy định để đẩy nhanh giải quyết hồ sơ liên quan đến phòng cháy, chữa cháy và giấy phép hoàn công; quy định các DN có khả năng phát sinh chất thải gây ô nhiễm phải có đánh giá tác động môi trường từ cơ quan Trung ương đang gây khó khăn cho các hoạt động kinh doanh thông thường...

Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của các hiệp hội, DN, cơ quan nhà nước tiếp thu, trả lời, làm rõ theo thẩm quyền. Trong đó, một số kiến nghị đã và đang được Chính phủ chỉ đạo xử lý, giải quyết. Cụ thể như giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam, và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; Thường trực Chính phủ đã họp và có quyết định về miễn thị thực đơn phương của Việt Nam; giao Bộ Công an và Bộ Xây dựng rà soát chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính...

Thái Nguyên được đánh giá là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chỉ tính từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 62 dự án (28 dự án cấp mới, 34 dự án điều chỉnh tăng vốn), với tổng số vốn 1,9 tỷ USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 180 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 10,5 tỷ USD.