Người sản xuất đũa cọ đầu tiên ở Định Hóa

Lưu Phượng 09:05, 01/04/2023

Về xã Kim Phượng, hỏi chuyện nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, chúng tôi được Hội Nông dân xã giới thiệu anh Quán Văn Bảy, xóm Cạm Phước, người đầu tiên sản xuất đũa cọ ở huyện Định Hóa. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, kiên trì, chịu khó, năm 2022, anh Bảy được UBND tỉnh khen thưởng là hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi; sản phẩm đũa Hoàng Linh của gia đình anh được cấp chứng nhận OCOP 3 sao.

Mỗi ngày, cơ sở của anh Quán Văn Bảy sản xuất từ 15-20 nghìn đôi đũa cọ, tạo thu nhập ổn định và việc làm cho lao động địa phương.

Tiếp chúng tôi ngay tại xưởng sản xuất, anh Bảy bảo: Tôi đến với nghề này như một cái duyên. Đó là vào năm 2013, tình cờ trong một chuyến đi chơi ở Hà Nội, tôi nhìn thấy đũa dừa Bến Tre được bày bán trong siêu thị. Nhìn chất liệu gỗ, tôi thầm nhủ "cũng không quá khác biệt so với cây cọ quê mình". Cũng vào thời điểm đó, thấy người dân địa phương đua nhau chặt cọ để chuyển đổi sang cây trồng khác, tôi thấy rất lãng phí và nảy ra ý tưởng sản xuất đũa từ thân cây cọ.

Ý tưởng là vậy nhưng khi bắt tay thực hiện, anh gặp Bảy không ít khó khăn. Cái khó lớn nhất là làm sao để chế tạo ra máy móc, thiết bị sản xuất đũa. Vì đây là mô hình sản xuất mới, không giống như các loại máy móc khác, cứ có tiền là mua được.

Anh đã dày công đi học tập kinh nghiệm sản xuất đũa tại miền Nam. Hai năm đầu, anh tốn không ít “học phí” mới chế tạo thành công những chiếc máy sản xuất đũa. Anh Bảy chia sẻ: Để làm ra những chiếc máy này, tôi tốn rất nhiều công sức, tiền bạc. Quá trình chế tạo gặp khó khăn vì máy làm đũa cần có những bộ phận nhỏ và phải đáp ứng yêu cầu về độ chi tiết, tỉ mỉ. Do đó, tôi phải tính toán kích thước, số lượng từng bộ phận của máy rồi tìm thợ hàn để miêu tả, nhờ họ làm ra những bộ phận tương ứng. Để có mỗi chiếc máy hoạt động tốt như hiện nay, tôi phải lắp ráp, chỉnh sửa nhiều lần.

Khi bắt tay vào sản xuất đũa cọ, ban đầu, anh Bảy làm thử nghiệm, chủ yếu phục vụ gia đình và bà con quanh vùng. Từ năm 2015, anh mở rộng sản xuất, làm ra sản phẩm chất lượng hơn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Theo anh Bảy, đũa cọ có ưu điểm là không cong vênh, hoa văn đẹp, nhưng để sản xuất ra đũa bền, đẹp, đảm bảo an toàn thì cần trải qua nhiều công đoạn, với những yêu cầu nghiêm ngặt.

Anh nói: Muốn làm được đôi đũa đẹp, quan trọng nhất là nguyên liệu, gỗ cọ phải được tuyển chọn kỹ càng. Gỗ càng già thì sản phẩm làm ra càng đẹp, chất lượng. Gỗ cọ sau khi mang về sẽ được loại bỏ những phần không đảm bảo, sau đó, xẻ phôi đúng kích cỡ, đưa vào máy tiện cho ra sản phẩm thô. Sau đó, đưa vào lò sấy khô trong 48 tiếng để khử trùng, tránh nấm mốc trong quá trình sử dụng. Tiếp đó, đến công đoạn hoàn thiện, cắt đều chiều dài, mài cho mịn, làm sạch, phân loại và đóng gói sản phẩm.

Sản phẩm đũa cọ Hoàng Linh.

Đũa cọ không chỉ đẹp, bền, an toàn mà còn mang những nét đặc trưng, giá trị văn hóa của địa phương nên dần dần, sản phẩm được nhiều người đón nhận, tin dùng. Hiện nay, sản phẩm đũa cọ của gia đình anh Bảy chủ yếu xuất bán tại thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đắc Nông. Trong đó, khoảng 80% số đũa là bán thô, 20% đũa thành phẩm. Mỗi ngày, cơ sở của gia đình anh sản xuất khoảng 15-20 nghìn đôi đũa, trừ chi phí, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, cơ sở sản xuất đũa cọ của anh Bảy còn tạo việc làm cho 10-13 lao động địa phương, với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, sau một thời gian nỗ lực xây dựng thương hiệu, cuối năm 2022, sản phẩm Đũa cọ Hoàng Linh của cơ sở được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Điều này sẽ tạo điều kiện để sản phẩm vươn xa hơn, mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế.

Nói về mục tiêu trong thời gian tới, anh Bảy trăn trở: Dù tôi muốn đầu tư, nâng cấp xưởng, mở rộng quy mô sản xuất, tập trung sản xuất đũa thành phẩm... nhưng còn băn khoăn vì nguyên liệu sản xuất đũa cọ càng ngày càng thu hẹp, giá thành cao. Nếu được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ giải pháp tháo gỡ vấn đề này, chúng tôi rất vui.

Anh Lý Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Phượng, cho biết: Anh Quán Văn Bảy là hộ điển hình trong phát triển kinh tế gia đình ở địa phương, góp phần thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”. Việc phát triển sản phẩm Đũa cọ Hoàng Linh của anh Bảy đã thể hiện được phần nào giá trị văn hóa, hình ảnh, nét đặc trưng của xã Kim Phượng, cũng như mảnh đất ATK Định Hóa. Chúng tôi cũng mong muốn, thời gian tới, cơ sở sản xuất của anh sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía để giúp nâng tầm và phát huy giá trị sản phẩm OCOP của địa phương...