TP. Thái Nguyên đa dạng các loại hình du lịch

Chung An  09:09, 25/04/2023

Những năm vừa qua, TP. Thái Nguyên đã tận dụng khá tốt các lợi thế để phát triển du lịch, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, TP. Thái Nguyên có gần 250 khách sạn, nhà nghỉ đáp ứng tốt nhu cầu đón khách du lịch tham quan.
Hiện nay, TP. Thái Nguyên có gần 250 khách sạn, nhà nghỉ đáp ứng tốt nhu cầu lưu trú của du khách.

TP. Thái Nguyên có dòng sông Cầu chảy qua; có nhiều khu, điểm di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh; đặc biệt, thành phố có vùng chè đặc sản Tân Cương - điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng…

Tận dụng những lợi thế này, những năm vừa qua, thành phố đã tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm phát triển đa dạng sản phẩm du lịch. Cụ thể là phát triển du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với sản phẩm nông nghiệp và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Thành phố đã chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Cụ thể là xây dựng các trung tâm thương mại, các điểm mua sắm phục vụ nhân dân và thu hút khách du lịch; xây dựng các khách sạn, nhà nghỉ đón khách; đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa…

Hiện, trên địa bàn thành phố có 26 khách sạn, 121 nhà nghỉ đủ điều kiện đón khách. Thành phố đang tiếp tục thu hút nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí như: Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao hồ Núi Cốc; Khu Linh Sơn Hills, xã Linh Sơn; Công viên giải trí gắn liền với dịch vụ du lịch trải nghiệm Eco Valley, xã Phúc Trìu… với tổng kinh phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, thành phố cũng chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch. Hiện, các cơ sở lưu trú, nhà hàng trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý nhân sự, quản lý tài chính; thực hiện việc tạo lập và sử dụng mã QR trong quản lý thông tin khách hàng. Thành phố đã tiếp tục khai thác công trình “Điểm quét mã QR của tuổi trẻ thành phố Thái Nguyên trong việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch thành phố” tại một số khu di tích lịch sử trên địa bàn.

Du khách tham quan vùng chè đặc sản Tân Cương.
Du khách tham quan vùng chè đặc sản Tân Cương.

Để thúc đẩy phát triển du lịch, TP. Thái Nguyên còn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lao động du lịch. Hiện, số lao động trong ngành Du lịch có khoảng 2.000 người, hầu hết đã được đào tạo sơ cấp, lao động phổ thông, hoạt động trực tiếp tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các điểm du lịch, các cơ sở lữ hành. Tại một số điểm du lịch đã có đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn viên được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ…

Anh Nguyễn Thanh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã chè trung du Tân Cương, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, cho biết: HTX hiện có 8 thành viên và 20 hộ dân liên kết, vùng sản xuất trên 20ha. Thời gian qua, ngoài việc nâng cao kiến thức về trồng, sản xuất, chế biến chè, HTX còn cho các thành viên tham gia các lớp bồi dưỡng, kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng, từ đó có kiến thức giới thiệu, quảng bá sản phẩm khi khách du lịch đến tham quan.

Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến thành phố không ngừng tăng, tăng trưởng về khách du lịch đạt bình quân 10%/năm. Thu nhập từ dịch vụ du lịch từng bước được nâng cao, với mức tăng bình quân 20%/năm. Năm 2022, giá trị sản xuất ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch trên địa bàn đạt gần 1.900 tỷ đồng; 2 tháng đầu năm 2023 đạt 304 tỷ đồng.

Ông Trần Thanh Hải, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin TP. Thái Nguyên, cho biết: Kết quả rõ nhất trong phát triển du lịch của TP. Thái Nguyên thời gian qua là đã hình thành, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với sản phẩm nông nghiệp và du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Mới đây, UBND tỉnh đã công nhận Điểm du lịch cộng đồng Tân Cương, góp phần thúc đẩy lĩnh vực du lịch của thành phố ngày càng phát triển.