Tạo sức bật cho vùng đồng bào dân tộc Mông

Vũ Công 09:18, 23/05/2023

Huyện Đồng Hỷ hiện có 9 xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trong đó vẫn còn 7/9 xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn. Để thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các xóm này phát triển, huyện Đồng Hỷ đã và đang tập trung nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đầu tư cơ sở hạ tầng cho những xóm vùng khó này.

Các hộ dân sinh sống ven suối ở xóm Bản Tèn đang mong ngóng sớm được chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn.
Các hộ người dân tộc Mông sinh sống ở ven suối của xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) đang mong ngóng sớm được chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn.

9 xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống của huyện Đồng Hỷ tập trung ở 3 xã Tân Long, Văn Lăng và Quang Sơn, với tổng số 1.093 hộ và 4.939 nhân khẩu.

Trong những năm qua, nhiều chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh và huyện Đồng Hỷ đã được triển khai tại các xóm này, như: Chương trình 135; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; Đề án 2037... Qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của người dân tại 9 xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Mặc dù vậy, so với các vùng khác trong huyện, kinh tế - xã hội tại 9 xóm này vẫn còn chậm phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2022 chiếm 78% trong tổng số hộ dân của 9 xóm; 6km đường từ xã đến xóm và 8,3km đường liên xóm đã xuống cấp, chưa được bê tông hóa; nhà văn hóa ở các xóm đa phần đã xuống cấp, nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân; nhiều hộ nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng cao bởi thiên tai, lũ lụt...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần là do các chương trình, dự án có định mức đầu tư thấp, dàn trải, chưa kịp thời, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh của bà con ở các xóm vẫn còn cao, cơ sở vật chất không đáp ứng kịp; mức hỗ trợ để di chuyển nhà ở về những vị trí an toàn hơn còn thấp so với chi phí thực tế...

Tuyến đường trục chính ở xóm người Mông Lân Đăm, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) mới đây đã được mở rộng mặt đường lên 3,5m.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, từ năm 2022 đến nay, huyện Đồng Hỷ đã ưu tiên nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để đầu tư cho các xóm khó khăn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Theo đó, huyện đã đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư ở xóm Bản Tèn và Liên Phương (xã Văn Lăng) cho 65 hộ dân với kinh phí 32 tỷ đồng; bê tông hóa 7,5km đường ở các xóm Khe Hai, Liên Phương, Vân Khánh (xã Văn Lăng) với kinh phí 12 tỷ đồng; xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp 8/9 nhà văn hóa xóm (trừ xóm Lân Đăm, xã Quang Sơn, do chưa có đất)...

Ông Vũ Xuân Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đồng Hỷ, cho biết: Việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các xóm, bản khó khăn góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách nhất để cải thiện sinh kế, điều kiện sống cho đồng bào dân tộc Mông. Đến nay, các công trình đã và đang được triển khai, một số công trình đã được đưa vào sử dụng và mang lại niềm vui cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đơn cử như năm 2022, Nhà văn hóa xóm Mỏ Ba, xã Tân Long, được nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí 130 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 23 triệu đồng, còn lại là ngân sách huyện. Qua đó giúp bà con trong xóm có nơi sinh hoạt cộng đồng rộng rãi, khang trang. Bà Vương Thị Hoa, người dân xóm Mỏ Ba, phấn khởi chia sẻ: Chúng tôi đã có nhà văn hóa khang trang để hội họp, có sân chơi thể thao. Giờ đây không còn cảnh mỗi khi đến họp thì 2 người ngồi chung một ghế, người thì đứng ngoài cửa như trước đây nữa.

Cũng sinh sống ở xóm đặc biệt khó khăn, anh Lý Văn Sỹ, Trưởng xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, bày tỏ mong muốn: Trong xóm hiện có 26 hộ dân sinh sống ven dòng suối và dưới chân núi, nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét là rất cao. Do vậy, việc bố trí tái định cư cho các hộ này là hết sức cần thiết, giúp bà con ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình...