Xuất nhập khẩu hàng hóa: Nhìn từ số thu của Hải quan

Việt Bắc 09:32, 25/05/2023

3.090 tỷ đồng là số dự toán Chi cục Hải quan Thái Nguyên được giao thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023. Con số này tăng 1.200 tỷ đồng so với năm 2022, nhưng với số thực thu chỉ tương đương. Tuy nhiên, tính đến ngày 21/5/2023, số thu này mới đạt 780 tỷ đồng, bằng 25,2% kế hoạch năm, bằng 60% so với cùng kỳ. Từ thực tế này cho thấy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn và dự báo sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu của năm.

Năm nay, với sự ổn định trong hoạt động, Công ty TNHH SSNewtech (Khu công nghiệp Điềm Thụy) đặt mục tiêu tăng trưởng 200% so với năm 2022.
Năm 2023, với sự ổn định trong hoạt động, Công ty TNHH SSNewtech (Khu công nghiệp Điềm Thụy) đặt mục tiêu tăng trưởng 200% so với năm trước.

Tỷ lệ thuận với số thu giảm, số tờ khai và giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên trong những tháng đầu năm nay cũng giảm mạnh. Theo đó, số tờ khai nhập khẩu trong gần 5 tháng qua đạt trên 27,3 nghìn tờ (giảm 10%); tờ khai xuất khẩu đạt 38 nghìn tờ (giảm 16%); kim ngạch nhập khẩu đạt 5,6 tỷ USD (giảm 31%), kim ngạch xuất khẩu đạt 10,05 tỷ USD (giảm 25%).

Theo lý giải của cơ quan chuyên môn, có nhiều nguyên nhân khiến số thu, giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đều giảm. Đầu tiên phải kể đến là cung - cầu hàng hóa trên thị trường quốc tế tiếp tục đà suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Cùng với đó, giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước vận tải, chi phí logistics… tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, giảm đơn hàng, giảm giờ làm, khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).

Bên cạnh đó, việc dự toán được xây dựng dựa trên kịch bản tăng trưởng GRDP của cả nước năm 2023 tăng 6,5%, trong đó tăng trưởng quý I cần đạt 5,6%, song thực tế chỉ ước đạt 3,32%. Nguyên nhân chủ yếu là do các ngành công nghiệp sụt giảm, đạt mức tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022. Còn đối với tỉnh Thái Nguyên, tuy tốc độ tăng trưởng quý I cao hơn mức bình quân chung của cả nước (đạt 6,5%), song vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra cả năm là 8%.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Đăng Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Nguyên, cho biết: Đơn vị đã làm việc với 25 DN có số kim ngạch xuất, nhập khẩu, số thuế phát sinh lớn trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình hoạt động, cũng như dự ước số thu. Theo đó, nhiều DN dự báo số thuế nộp sẽ giảm trong năm nay và theo dự kiến, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh chỉ đạt khoảng 2.540 tỷ đồng, bằng 82% dự toán năm được giao.

Chỉ tính riêng Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong khi cùng kỳ năm 2022, DN này đóng góp vào số thu ngân sách của tỉnh là 731 tỷ đồng, thì năm nay chỉ được 354 tỷ đồng (giảm hơn 50%). Trong khi đó, đây là DN đóng góp lớn cho số thu xuất, nhập khẩu của tỉnh, chiếm tới khoảng 40-50%. Không những thế, khi DN này bị ảnh hưởng cũng kéo theo số thu của hàng loạt DN vệ tinh sụt giảm theo.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có "điểm sáng" trong hoạt động xuất, nhập khẩu nói chung, thu thuế xuất, nhập khẩu của tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Vẫn có những DN có số thu dự kiến đạt cao hơn năm 2022, như: Công ty TNHH Vonfram Masan, Công ty TNHH KHVatec Hanoi, Công ty TNHH Rftech Thái Nguyên… (dự kiến tăng 3-10% so với năm 2022).

Trước những khó khăn đang phải đối mặt, Chi cục Hải quan Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN. Theo dự kiến, trong tháng 6 tới, Chi cục sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với DN để lắng nghe, kịp thời tháo gỡ những khó khăn thuộc thẩm quyền mà các đơn vị gặp phải. Cùng với đó, tiếp tục động viên các DN trên địa bàn tỉnh đang làm thủ tục hải quan tại nơi khác về làm thủ tục tại đơn vị, nhằm giúp tăng thu ngân sách cho Thái Nguyên…

Từ đầu năm đến nay, có gần 500 DN làm thủ tục xuất, nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên (tương đương năm 2022). Trong đó, khoảng 200 DN có hoạt động xuất, nhập khẩu thường xuyên (12 tờ khai/năm), gồm: 29 DN chế xuất; 43 DN gia công; 16 DN sản xuất - kinh doanh; 12 DN vừa gia công, vừa sản xuất xuất khẩu; còn lại là các DN nhập khẩu nguyên liệu…