Yên Ninh khai thác hiệu quả tiềm năng để phát triển

Dương Hưng 07:40, 08/05/2023

Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, chính quyền xã Yên Ninh (Phú Lương) đã vận động, hướng dẫn người dân khai thác hiệu quả tiềm năng về quỹ đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ đó, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, diện mạo của vùng quê thuần nông, vùng đồng bào dân tộc thiểu số này đã có sự thay đổi…

Do có vùng nguyên liệu gỗ dồi dào, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn xã Yên Ninh đầu tư mở xưởng chế biến gỗ để phát triển kinh tế.
Do có vùng nguyên liệu gỗ dồi dào, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn xã Yên Ninh đầu tư mở xưởng chế biến gỗ để phát triển kinh tế.

Yên Ninh nằm ở cửa ngõ phía Bắc của huyện Phú Lương, tiếp giáp với thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) và huyện Định Hóa nên hội tụ nhiều tuyến đường huyết mạch như: Quốc lộ 3; đường Thái Nguyên - Chợ Mới; đường Hồ Chí Minh. Cùng với đó, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông nông thôn ở xã Yên Ninh đã được đầu tư cơ bản. Đây chính là tiền đề quan trọng để Yên Ninh phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Triệu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Ninh, cho biết: Xã có hơn 7.600 nhân khẩu, với gần 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2017, mặc dù Yên Ninh “thoát” xã đặc biệt khó khăn, nhưng vẫn còn 7/16 (năm 2019, sau khi sáp nhập, xã còn 14 xóm) xóm đặc biệt khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo lên đến 25%. Một trong những nguyên nhân được xác định là do hạ tầng giao thông của địa phương yếu. Ngoài tuyến Quốc lộ 3 chạy qua được thảm nhựa, hầu hết đường vào các xóm đều là đường đất, nhỏ hẹp khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, nông sản (chủ yếu là cây rừng trồng) chỉ có thể tiêu thụ được vào mùa khô và với giá bán khá thấp, khoảng 40-50 triệu đồng/ha…

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đã hỗ trợ xi măng, người dân hiến đất, đối ứng ngày công lao động để làm đường. Đến nay, xã Yên Ninh đã làm được gần 100km đường bê tông. Cùng với đó, năm 2016 tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn nối Quốc lộ 3 - thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) đi qua xã Yên Ninh dài hơn 6km và tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn), đi qua xã Yên Ninh hơn 3km, được hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hóa của người dân.

Hiện Yên Ninh có hơn 3.000ha rừng, trong đó có khoảng 1.800ha rừng sản xuất. Trên địa bàn xã có 3 doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến gỗ và gần 20 hộ gia đình đầu tư, mở xưởng gỗ bóc, gỗ băm, góp phần tiêu thụ gỗ rừng trồng và giải quyết việc làm cho người lao động.

Ông Ma Văn Đông, Trưởng xóm Làng Muông, xã Yên Ninh, cho biết: Trong xóm có hơn 80 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, mặc dù diện tích rừng có hơn 450ha và 12ha chè, nhưng do hạ tầng khó khăn, cây trồng (chủ yếu là keo) có giá bán thấp, cây chè hạt cho năng suất, chất lượng thấp. Tuy nhiên,  những năm gần đây, tuyến đường vào xóm đã được đổ bê tông, giao thông thuận lợi, giá bán cây rừng tăng lên 70-80 triệu đồng/ha; người dân cũng chuyển đổi từ trồng chè hạt sang trồng chè lai cho năng suất cao hơn hẳn (70tạ chè búp tươi/ha) và giá bán cao hơn. Vì vậy, năm 2020, xóm đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Còn Bà Hoàng Thị Hậu, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Yến Hùng (có địa chị tại xã Yên Ninh), chia sẻ: Tôi quyết định mở xưởng chế biến gỗ bởi địa phương có diện tích rừng khá lớn, không phải đi xa mua gỗ nguyễn liệu, đỡ chi phí vận chuyển. Các tuyến đường vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm cũng thuận tiện hơn trước rất nhiều. Hiện nay, xưởng chế biến gỗ của tôi tiêu thụ khoảng 100 tấn gỗ/ngày, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động và 15 lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân 8-9 triệu đồng trên người/tháng, nộp thuế hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Ngoài ra, những năm gần đây xã Yên Ninh cũng đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối doanh nghiệp với người lao động. Hiện nay, xã có gần 800 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng… Với những nỗ lực đó, năm 2021, xã Yên Ninh đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.