Trên cùng một diện tích đất, 2-3 và có thể hơn nữa các loại cây, con cộng sinh phát triển, cho thu hoạch mỗi vụ từ 2-3 loại nông sản. Đó là cách làm hiệu quả đang được người dân xã miền núi Phượng Tiến (Định Hóa) triển khai thời gian gần đây.
Hiện nay, người dân xã Phượng Tiến đã cơ bản sử dụng máy làm đất, thu hoạch lúa. |
Trên cánh đồng bằng phẳng nằm ở trung tâm xã Phượng Tiến, thời điểm này, người dân đang khẩn trương thu hoạch nốt lúa xuân để bắt tay vào sản xuất vụ mùa. Các chân ruộng được người dân thu hoạch cuốn chiếu và dẫn nước vào để làm đất gối vụ. Ở mỗi thửa, bà con lại dành ra 1 tum nước (hố tích nước) làm nơi thả cá chép ruộng.
Mô hình này được biết đến với tên gọi "2 đến 3 trong một". Đây là quy trình kết hợp khai thác nguồn lợi trên cùng một đơn vị diện tích được người dân Phượng Tiến nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, sau khi thu hoạch xong lúa xuân, bà con sẽ thả cá chép ruộng. Gần 4 tháng sau, đến kỳ thu hoạch lúa mùa, người dân sẽ gom cá trở lại tum nước để khai thác…
Sau khi thu hoạch lúa mùa, người dân lại tiếp tục trồng khoai tây, lấy phụ phẩm từ khoai tây để ủ phân hữu cơ bón cho lúa xuân. Cách làm này được người dân Phượng Tiến thực hiện từ 3 năm nay, với tổng diện tích 6ha, dựa trên mô hình “Làng trồng lúa an toàn theo hướng hữu cơ” do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã triển khai thực hiện.
Bà Lường Thị Thu Lịch, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, cho biết: Ai tham gia mô hình cũng phấn khởi với cách làm này. Bởi hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sẽ tăng gấp 2 lần so với phương án sản xuất thông thường. Riêng với cây lúa, sau 3 vụ canh tác theo phương pháp hữu cơ, cỏ và sâu bệnh giảm hẳn, giảm được khâu sục bùn sau cấy, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất tăng 1-2 tạ/sào so với trước đây.
Theo tính toán thực tế, các mô hình "2 đến 3 trong một" cho thu nhập trên 170 triệu đồng/ha/năm, tăng trên 100 triệu đồng so với năm 2019. Trong tổ chức sản xuất trên đất lâm nghiệp, đồi bãi, bước đầu người dân có thu nhập từ các sản phẩm phụ (rau, mật ong, cây ăn quả…) bình quân trên 60 triệu đồng/ha. |
Tận dụng những chân ruộng lúa kém hiệu quả, mấy năm gần đây, người dân xã Phượng Tiến chuyển sang nuôi ốc bươu đen. |
Về Phượng Tiến thời điểm này, hầu như không còn cảnh đốt rơm rạ bừa bãi như xưa. Sau khi thu hoạch lúa, người dân gom rơm rạ lại ủ làm phân bón cho cây trồng. Tại các khu đất ven đường, giáp chân ruộng, bờ ao, thay vì để cỏ mọc um tùm như trước, bà con đã tận dụng để trồng đỗ, ngô, khoai sọ... Trong các khu vườn xuất hiện nhiều hơn các loại cây ăn quả như bưởi, xoài, cam, thanh long, ổi. Nhiều hộ quy hoạch ao thả cá cố định kết hợp thả cá trong ruộng, bên trên làm giàn trồng mướp, bí, bên dưới chăn nuôi gà, vịt... theo cơ cấu 3 trong một: Trên quả, dưới cá, giữa chăn thả thủy cầm.
Đồng chí Hoàng Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến, thông tin: Xã có 1.300 hộ, với trên 4.000 nhân khẩu, chia thành 8 xóm. Tổng diện tích đất tự nhiên là trên 2.000ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm gần 60%. Đây là thế mạnh và cũng là trăn trở của chính quyền địa phương về việc làm thế nào để người dân “sống khỏe” trên chính mảnh đất của mình? Từ thực tế này, hàng năm, xã đều xây dựng phương án sản xuất nông, lâm nghiệp chi tiết, chỉ đạo từng xóm tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế và định hướng quy hoạch.
Theo đó, đối với lúa và hoa màu, chủ trương chung của xã là khuyến khích bà con chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, chè và các loại rau màu có giá trị kinh tế cao hơn; vận động bà con sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao như JO2, Bao thai, Thiên ưu 8, Nếp vải. Bên cạnh đó, sử dụng tối đa diện tích đất chuyên màu, mở rộng diện tích rau màu theo hướng an toàn, sản xuất theo cánh đồng, khu vực nhằm tạo sản phẩm hàng hóa; chú trọng mở rộng diện tích cây trồng vụ đông...
Xã cũng đã xây dựng cánh đồng một giống lúa để hạn chế sâu bệnh, tuyên truyền đến người dân sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bón phân hữu cơ... Để làm được điều này, địa phương triển khai đồng bộ chương trình “3 giảm, 3 tăng” (giảm giống, giảm lượng đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế, tăng sức khỏe cộng đồng); áp dụng quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, tăng diện tích thâm canh lúa cải tiến SRI; khuyến khích người dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để tập trung sản xuất hiệu quả.
Với cách làm như vậy, đến nay, ở xã Phượng Tiến đã bước đầu hình thành vùng sản xuất, như vùng trồng khoai tây; cánh đồng lúa JO2; vùng trồng rau, củ, quả của Hợp tác xã nông sản an toàn ATK Định Hóa; vùng sản xuất chế biến mỳ gạo; thành lập tổ hợp tác sản xuất bánh Khẩu sli...
Đặc biệt, xã đang tích cực triển khai quy hoạch Dự án trồng na dọc theo chân núi Nản. Dự án có gần 100 hộ tham gia, với diện tích 13ha. Người dân sẽ được hỗ trợ 100% cây giống, phân bón, tư vấn kỹ thuật để triển khai trồng na ngay trong năm nay.
Bên cạnh đó, với trên 1.000ha đất rừng, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất, xã vận động người dân phát triển trồng rừng gỗ lớn, trồng quế theo dự án của huyện. Ngoài ra, chỉ đạo các xóm chú trọng giữ nguồn nước, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Riêng năm 2023, xã dự kiến trồng mới 47ha rừng (trong đó có 28,4ha quế, còn lại là cây khác).
Chủ tịch UBND xã Phượng Tiến Hoàng Văn Anh cho biết thêm: Trước mắt, xã đang tích cực nhân rộng mô hình thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, kết hợp nuôi, trồng từ 2 đến 3 loại cây, con trên cùng một diện tích theo hướng sản xuất an toàn, nông sản sạch.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin