Tăng cường, phát huy nội lực, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tận dụng ngoại lực hiệu quả, kịp thời, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2023.
Ngay tại Diễn đàn kinh tế - xã hội 2023 vừa diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, vấn đề trên cũng được các nhà quản lý, chuyên gia bàn thảo nhiều.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội). |
Đan xen những mảng màu sáng - tối
Năm 2023, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam, tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Trong nước, mặc dù kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, một số động lực tăng trưởng suy giảm; thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản tiềm ẩn không ít rủi ro…
Nhờ các chính sách, giải pháp đúng đắn, kịp thời và chưa từng có tiền lệ, kinh tế Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nền kinh tế duy trì được đà tăng trưởng và là một điểm sáng trong “bức tranh” màu xám của kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy những mảng màu tối trong bức tranh đa sắc, cụ thể như tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%, gần thấp nhất trong 12 năm trở lại đây, tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng GDP cho 2 quý còn lại của năm. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023, giai đoạn 5 năm 2021-2025 và cả thời kỳ chiến lược 2021-2030 trở nên hết sức khó khăn. Nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng của năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.
Thực tế này khiến hầu hết các chuyên gia tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 đều chung nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 khó đạt mục tiêu đã đề ra. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự báo, tăng trưởng GDP năm 2023 theo kịch bản cơ sở là 5,2-5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4-4,5%. Với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi và khai thác được các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy hai động lực chính là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), tăng trưởng có thể đạt 5,5-6%.
Đối với năm 2024 và năm 2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiềm chế và dần về mức dưới 3% năm 2025, khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025.
Vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực
Các chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn với kinh tế Việt Nam. Trong đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021-2025 là vô cùng khó khăn…
Trước thực trạng đó, Việt Nam phải sớm có giải pháp ứng phó trong ngắn hạn và giải pháp có tầm chiến lược lâu dài nhằm tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng để giúp đất nước tận dụng thời cơ, ứng phó, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. Trước tiên, cần làm rõ các vấn đề khách quan tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế như các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế; chính sách kinh tế của các nước lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam...
Về các giải pháp cụ thể, các chuyên gia cho rằng, cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa… Một trong những giải pháp quan trọng là phát triển và khai thác hiệu quả thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Theo tính toán của chuyên gia, tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm phần trăm sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm phần trăm. Nếu giải ngân được 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 sẽ đóng góp 2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2023. Năm 2023, tổng vốn đầu tư công là 713.000 tỷ đồng, gần gấp đôi những năm bình thường, nếu giải ngân được 95% của 713.000 tỷ đồng này sẽ tạo động lực rất lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, Việt Nam phải thực hiện các giải pháp có tính bền vững liên quan đến nguồn nhân lực - động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế. Đáng lưu ý, việc thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố này sẽ phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần phát huy “ngoại lực” đến từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu.
Điều này càng được khẳng định rõ khi tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chúng ta cần phát huy nội lực của kinh tế trong nước, xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045, củng cố tiềm lực khoa học và công nghệ trên cơ sở làm chủ công nghệ hiện đại, công nghệ lõi và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường hội nhập quốc tế đi đôi với bảo vệ thị trường trong nước và thu hút nguồn lực đầu tư hiệu quả…”. Đó được xem là định hướng quan trọng để hóa giải những thách thức với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin