1ha đất canh tác rau, màu vụ đông cho thu nhập trên 100 triệu đồng; nếu luân canh 3 vụ trong năm, trên cùng một diện tích, thu nhập đạt từ 200 đến 230 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình liên kết trong sản xuất vụ đông trên địa bàn huyện Định Hóa đã được hình thành và phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tổ hợp tác phố Núi, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) tập trung canh tác rau màu vụ đông. |
Cuối thu, các trà lúa mùa chính vụ và mùa muộn trên địa bàn huyện Định Hóa đang vào độ thu hoạch, còn với những ruộng lúa mùa sớm đã thu hoạch xong, bà con nông dân đang làm đất để chuẩn bị sản xuất vụ đông. Khung thời vụ chỉ có 90 đến 100 ngày, nên không khí làm việc trên các xứ đồng rất khẩn trương.
Ngay từ sáng sớm, trên cánh đồng xóm Cạm Phước - Thái Chi, xã Kim Phượng, bà con nông dân đang khẩn trương vận chuyển phân bón, khoai tây giống xuống ruộng để trồng cho kịp khung thời vụ. Vụ đông này, tổ hợp tác trồng khoai tây xóm Cạm Phước - Thái Chi (với 7 thành viên tham gia) đã mượn đất liền khoảnh của bà con trong xóm triển khai trồng gần 4ha khoai tây. Để thuận tiện cho việc trồng khoai tây, bà con nông dân đã thuê máy cày xới đất và lên luống.
Được biết, đây là vụ đông thứ hai tổ hợp tác trồng khoai tây xóm Cạm Phước - Thái Chi sản xuất theo nhu cầu đặt hàng của đối tác ở tỉnh Bắc Giang theo chuỗi liên kết khép kín từ tổ chức sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Nhờ chuỗi liên kết sản xuất chặt chẽ, sau vụ đông, người dân có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.
Còn tại đồng đất xã Tân Dương, năm 2020, xã mới canh tác được trên 30ha rau, màu vụ đông, thì đến vụ đông năm nay đã mở rộng lên 70ha. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã: Những năm gần đây, nhờ hệ thống thủy lợi được kiên cố, dẫn nước bao quanh các cánh đồng nên sản xuất vụ đông ở xã bắt đầu được khai thác hiệu quả. Theo tính toán, nếu luân canh 3 vụ trên cùng một diện tích, giá trị thu nhập có thể đạt từ 200 đến 230 triệu đồng/ha/năm.
Hiện nay, người dân xã Tân Dương đang triển khai sản xuất vụ đông theo hình thức xen canh các loại cây như ngô nếp, bí đỏ, dưa chuột, rau lấy ngọn…, cho thu nhập trên 80 triệu đồng/ha/vụ. Riêng cây cà chua cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/vụ; rau củ và rau lấy lá cho thu nhập trên 180 triệu đồng/ha/vụ. Hiệu quả bước đầu là hàng hóa thu hoạch đến đâu đều được tư thương bao tiêu hết đến đó.
Gia đình chị Hoàng Thị Giang, ở xóm Tân Tiến 2, có gần 3 sào ruộng. Sau khi thu hoạch lúa mùa, chị đã trồng các loại rau màu vụ đông. Chị Giang phấn khởi cho biết: Mỗi vụ lúa cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng/sào, sau thu hoạch, gia đình trồng ngô nếp xen canh bí đỏ (bí Cô Tiên) và dưa chuột, dịp cuối năm cho thu hoạch đạt giá trị 2,6-2,7 triệu đồng/sào. Nếu hợp tác sản xuất đồng bộ, tạo cánh đồng lớn thì thu nhập từ nông sản vụ đông chắc chắn sẽ đạt khoảng 100 triệu đồng/ha.
Mặc dù mang lại thu nhập cao nhưng hầu hết các gia đình ở đây vẫn đang canh tác vụ đông theo hướng phân tán, chưa tạo thành vùng tập trung và chưa có sự hợp tác chặt chẽ trong khâu tổ chức sản xuất cũng như liên kết kinh doanh.
Năm nay, toàn huyện Định Hóa có trên 1.000ha đất canh tác vụ đông, tăng trên 100ha so với năm 2022. Trên địa bàn huyện đã hình thành được mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tại vùng rau an toàn xã Phượng Tiến và nhiều tổ hợp tác sản xuất rau an toàn ở khu vực thị trấn Chợ Chu, các xã Bảo Cường, Linh Thông, Quy Kỳ… Tuy nhiên, để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, tiêu chuẩn VietGAP thì rất cần sự hợp tác chuyên sâu, gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin