Ngày 5-7, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh tổ chức Hội thảo bàn giải pháp quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) năm 2023. Tham gia có đại diện các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố; giám đốc một số hợp tác xã (HTX), siêu thị, chủ cửa hàng lớn trong tỉnh (ảnh).
Các đại biểu đã nghe Tiến sĩ Bùi Đình Hòa, chuyên gia OCOP Việt Nam, thông tin về kết quả triển khai Chương trình OCOP trong nước từ năm 2018 đến nay; những khó khăn, tồn tại và bài học kinh nghiệm; quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ triển khai Chương trình trong giai đoạn 2021-2025… Đồng thời, nghe báo cáo của ngành chức năng và một số địa phương về kết quả thực hiện Chương trình OCOP.
Tính đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 173 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3-5 sao. Các sản phẩm đa phần là chè (chiếm 70%), ngoài ra còn có miến, bún, thịt sấy, dầu ép, gia vị, hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, dịch vụ du lịch… Theo đánh giá, bình quân giá trị kinh tế của các sản phẩm sau khi được xếp hạng OCOP tăng từ 20% trở lên; doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm OCOP tăng từ 20-50%...
Để các sản phẩm OCOP được tiêu thụ rộng rãi trong nước và hướng đến mục tiêu xuất khẩu, một số giải pháp được đề ra tại Hội thảo, như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về Chương trình OCOP; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch; thúc đẩy thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến; vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin