"Chỉ cần tận tâm thì việc gì cũng có thể làm được"

15:17, 03/12/2015

Chị Lý Thị Phương, Trưởng Phòng Giám định Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Thái Nguyên nhiều năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được BHXH Việt Nam tặng Bằng khen; năm 2012 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Khen do có thành tích xuất sắc trong công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2007-2011. Và tại Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010-2015 của ngành BHXH vừa qua, chị cũng là một trong những tấm gương điển hình của ngành BHXH.

Những ngày cuối năm, mặc dù công việc rất bận rộn, nhưng chị vẫn dành chút thời gian chia sẻ với tôi về công việc thầm lặng của mình. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên, năm 1993, chị Phương được nhận vào công tác tại BHYT tỉnh Thái Nguyên. Khi đó rất nhiều người nói với tôi “đi trái nghề là mai một kiến thức, đặc biệt với nghề Y”. Cũng thấy tiếc cho 6 năm dòng vất vả theo học dưới mái trường Đại học Y, nhưng chị nghĩ “chỉ cần mình tận tâm với nghề thì việc gì cũng có thể làm được”. Nghĩ như vậy nên chị đã quyết định theo nghề mà nhiều người cho là “nhạy cảm” này.

 

Trải qua nhiều vị trí công tác, đến nay chị là Trưởng Phòng Giám định BHYT, BHXH tỉnh Thái Nguyên. Nhận thức được trách nhiệm lớn lao trên vai của một người cán bộ quản lý giám định BHYT, chị không ngừng phấn đấu, nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kiến thức nghiệp vụ, cùng đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

Lãnh đạo một tập thể với gần 30 cán bộ, công việc phức tạp, nhạy cảm, nhưng với những kiến thức được học ở nhà trường, ở gia đình và ở xã hội đã hun đúc cho chị những đức tính quý báu của người cán bộ làm chính sách. Với địa bàn Thái Nguyên có nhiều bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhiều sự lựa chọn trong khám, chữa bệnh và điều trị, song với biên chế có hạn, chị đã chủ động phân công, phân công công việc cụ thể đối với từng cán bộ, viên chức trong Phòng, đội ngũ cán bộ giám định của chị phải căng hết lực, trải đều đến tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh để thực hiện đúng, đủ 3 bước: Thường trực để giám định hàng ngày chi phí phát sinh; thẩm định quyết toán chi phí khám, chữa bệnh hàng quý và thẩm định số vượt trần, vượt quỹ tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho người hưởng, đồng thời hạn chế những chi phí bất cập. Đối với các giám định viên tại 9 huyện, thành, thị cũng được chị hướng dẫn chỉ bảo tận tình. Một nguyên tắc mà chị Phương luôn đặt lên hàng đầu đối với nghề giám định BHYT là “vừa phải kiên quyết nhưng phải vừa mềm dẻo linh hoạt”, như vậy thì mới có thể giám sát chặt chẽ các chỉ định thuốc, cận lâm sàng của y, bác sĩ điều trị, cấp thuốc BHYT, nhất là kiểm soát các vật tư y tế có tần suất sử dụng lớn, đồng thời tuyên truyền giải thích chế độ BHYT, đảm bảo quyền lợi của nhân dân và người lao động khi khám, chữa bệnh BHYT.

 

Có thể nói, chị và những đồng nghiệp thường xuyên phải “lăn lộn” tại các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh để làm sao quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo nhất. Có những lúc chị tưởng chừng như kiệt sức bởi những cuộc tranh luận giữa việc chỉ định thuốc, cận lâm sàng từ phía cơ sở khám, chữa bệnh quá rộng rãi, nhưng với cái tâm của người làm công tác giám định không cho phép chị bỏ cuộc. Chị kể, nhớ nhất năm 2012, khi Thông tư số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ban hành, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh xây dựng giá dịch vụ y tế chưa theo hướng dẫn tại Thông tư này mà bằng hoặc cao hơn giá tối đa của khung giá quy định tại Thông tư số 04, thậm trí nhiều dịch vụ các cơ sở khám, chữa bệnh chưa triển khai nhưng các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn xây dựng giá dịch vụ.

 

Qua thẩm định thực tế gần 700 dịch vụ (trong đó có 358 dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật của mục C4 quy định tại Thông tư số 04), chị cùng đồng nghiệp đã phát hiện có >157% dịch vụ kỹ thuật vượt khung giá tối đa của Thông tư số 04, có 8 dịch vụ >200% so với Thông tư. Chị đã chủ động báo cáo tổ trưởng, tham mưu với Giám đốc BHXH tỉnh có ý kiến với Sở Y tế đề nghị các bệnh viện xây dựng lại khung giá theo hướng dẫn của Bộ Y tế và phối hợp với Sở Y tế cùng các ngành hữu quan tham mưu với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp. Với lộ trình cơ bản đủ bù đắp chi phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh đồng thời phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội tại Thái Nguyên, tỷ lệ chung sau điều chỉnh giá dịch vụ y tế so với mức giá tối đa của Thông tư số 04 là 65%. Với việc điều chỉnh giá này cơ bản phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và mức sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh, đó là điều chị phấn khởi nhất. Thành quả đó là những nỗ lực sau nhiều ngày đêm vất vả của chị và những cộng sự trong tổ thẩm định - một thành quả đem lại lợi ích thiết thực cho những người lao động và nhân dân khi khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh mà chị đáng nhớ nhất.

 

Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, chị Phương còn là một Bí thư Chi bộ giỏi, lãnh đạo Chi bộ với hơn 20 đảng viên, năm nào Chi bộ của chị cũng đạt Chi bộ trong sạch, vững mạnh xuất sắc; tập thể Phòng luôn đạt danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc và được tặng Bằng khen của BHXH Việt Nam.

 

Để có được những kết quả và thành tích nêu trên, ngoài nỗ lực của bản thân với tinh thần ý thức trách nhiệm cao nhất, bằng kinh nghiệm công tác, bằng sự cần cù chịu khó nghiên cứu học hỏi, bằng sự nhạy bén sáng tạo trong từng công việc được giao và bằng cái tâm của người làm chính sách, quá trình công tác chị cũng như các đồng nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, động viên, khích lệ kịp thời của các đồng chí lãnh đạo cơ quan, sự ủng hộ, giúp đỡ của các cộng sự. Đó là niềm vui lớn nhất đối với chị Lý Thị Phương trên mỗi chặng đường công tác. Chúng tôi tin tưởng rằng với những gì chị đã đạt được hôm nay sẽ là tiền đề để chị có động lực bước tiếp và gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp của mình.