Để người dân không mắc “bẫy” tội phạm công nghệ

Quỳnh Trang 14:25, 28/03/2023

Nhằm chủ động phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản, Công an huyện Phú Bình đẩy mạnh tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của tội phạm đến các khu dân cư, cơ quan, trường học. Qua đó nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân trong việc phòng ngừa đối với loại tội phạm này khi tham gia các mạng viễn thông, trang mạng xã hội.

Công an xã Điềm Thụy hướng dẫn công dân tạm trú tại địa bàn tìm hiểu các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội.
Công an xã Điềm Thụy hướng dẫn công dân tạm trú tại địa bàn tìm hiểu các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội.

Trên địa bàn xã Tân Kim vừa xảy ra một vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng xã hội Facebook với số tiền 85 triệu đồng. Theo thông tin từ cơ quan Công an, bị hại thường trú ở xóm Trạng Đài, bị đối tượng lừa đảo dùng nick Facebook của chị gái bị hại nhắn tin hỏi vay tiền. Sau khi chuyển khoản thành công số tiền 85 triệu đồng đến số tài khoản lạ được đối tượng cung cấp qua tin nhắn, bị hại gọi điện cho chị gái để hỏi lý do vay tiền thì mới biết mình bị lừa do tài khoản Facebook này đã bị đối tượng xấu chiếm quyền sử dụng.

Thượng tá Trần Xuân Nghiệp, Phó Trưởng Công an huyện Phú Bình, cho biết: Việc các đối tượng sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến ngày càng phức tạp. Hầu hết các đối tượng tội phạm thường lợi dụng tâm lý nhẹ dạ cả tin, sự chủ quan, thiếu cảnh giác, thiếu thông tin kiểm chứng, thậm chí là sự hám lợi của bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tiền. Các bị hại thường bị lừa với số tiền lớn, từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, Tuy nhiên, vì một số lý do nên các bị hại thường không trình báo Công an.

Trước tình hình đó, Công an huyện Phú Bình đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân. Đồng thời chỉ đạo công an các địa phương tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép tại các hội nghị; qua fanpge của công an các xã, thị trấn; trên loa truyền thanh...

Nội dung tuyên truyền chủ yếu  tập trung vào việc phổ biến các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng của tội phạm như: Giả danh cơ quan nhà nước; chiếm đoạt quyền sử dụng Facebook, Zalo để vay tiền; tuyển cộng tác viên bán hàng online; nhắn tin trúng thưởng; lừa đảo thông qua hoạt động mua bán hàng trên mạng...

Đối với mỗi phương thức, thủ đoạn, cơ quan Công an luôn phân tích rõ, có dẫn chứng cụ thể để người dân nắm được. Ví dụ như đối với tội phạm giả danh cơ quan nhà nước, các đối tượng thường sử dụng các đầu số lạ và tự xưng là cán bộ văn thư, viễn thông, bảo hiểm xã hội, công an, viện kiểm sát... thông báo nợ tiền phí, có biên lai vi phạm giao thông, liên quan đường dây ma túy, vụ án hình sự để yêu cầu cung cấp thông tin ngân hàng, chuyển tiền.

Hay như với hiện tượng chiếm đoạt quyền sử dụng Facebook, Zalo để vay mượn tiền, đối tượng thường hack nick name Facebook, Zalo của bạn bè, người quen, người thân, cấp trên của bị hại, sau đó nhắn tin nói có việc gấp như người thân bị tai nạn, ốm đau để mượn tiền. Số tài khoản cung cấp để nhận tiền là số tài khoản không chính chủ, không phải tên người bị hại quen biết.

Tìm hiểu công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm lừa đảo qua không gian mạng ở các xã, thị trấn, chúng tôi thấy, đa số công an các địa phương thường xuyên cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm qua các fanpage của cơ quan Công an; gửi văn bản thông báo đến từng xóm, tổ dân phố để thông tin, tuyên truyền cho người dân địa phương.

Thượng úy Nguyễn Văn Phượng, Phó Trưởng Công an thị trấn Hương Sơn, cho biết: Việc tuyên truyền tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao luôn được đơn vị quan tâm. Trung bình mỗi năm, Công an thị trấn Hương Sơn tổ chức 3 hội nghị phối hợp tuyên truyền và chia sẻ 12 bài viết qua Fanpage của Công an thị trấn về nội dung này. Từ năm 2022 đến nay, Công an thị trấn chưa tiếp nhận vụ việc nào về lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.  

Để hạn chế thấp nhất các vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an huyện Phú Bình khuyến cáo người dân: không cung cấp mã OTP, tài khoản ngân hàng, không chuyển tiền cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ về họ; khi người thân, người quen hỏi vay tiền, nhờ chuyển tiền cần gọi điện xác nhận lại và chỉ chuyển tiền cho tài khoản chính chủ; hãy cảnh giác với những cách kiếm tiền dễ dàng trên mạng xã hội; thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội; trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất.