Nếu so với nhiều vùng chè nổi tiếng khác của Thái Nguyên mình, thì cây chè ở những nơi này tự tạo nên lực hút. Một mình một khoảnh, không nằm trong cảnh quan hùng vĩ xinh đẹp, không thuận đường du lịch hoặc kết nối với di tích, cây chè đơn độc tích hương ủ sắc. Vị trí solo (*) gian nan lắm, phải khẳng định bản thân nhiều lắm và cây chè đã đứng được ở vị trí này.
Tác giả (bên phải) tại vùng chè Sông Cầu.
Miền xanh mềm sóng nhạc
Lần đầu đến vùng chè Sông Cầu (Đồng Hỷ), tôi choáng ngợp bởi vẻ đẹp do cây chè “vẽ” lên. Nếu so với nhiều miền chè nổi tiếng khác của Thái Nguyên mình, thì cây chè ở đây đơn độc làm nên sức hút. Nó không được “phụ trợ” bởi cảnh sắc hùng vĩ của dãy Tam Đảo mờ xanh cùng vô số con suối mơ màng vẫy gọi du khách, như vùng chè La Bằng, vùng chè Hoàng Nông (Đại Từ).
Nó cũng không được “hưởng lộc” từ dòng người tứ xứ đổ về thăm khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc mà đi xuyên vùng chè, như là Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Một mình một khoảnh trời, không nhiều di tích, không cảnh quan hùng vĩ, không liên kết vùng du lịch, cây chè Sông Cầu tích hương ủ sắc trên vô vàn ngọn đồi đá sỏi.
Tôi sờ tay vào những gốc chè trung niên vâm vấp sạm màu thời gian. Nhìn thân, lá, hoa chè là thấy lịch sử cả vùng chè. Những hạt chè màu nâu giản dị nằm trong lòng đất kể về nhát cuốc đầu tiên của người công nhân nông trường chè 62 năm trước. Màu xanh búp non loang rộng kéo dân cư ba miền Bắc - Trung - Nam về đây sinh sống.
Cây chè cùng người trải qua thời đói quay đói quắt, qua thời đạn bom cùng tiếng đào hầm trú ẩn thình thịch đêm thâu. Nhiều đứa trẻ vịn cây chè tập đi, hái hoa chè cài mái tóc làm duyên nay trở thành doanh nhân, nghệ nhân mang thương hiệu chè Sông Cầu đi muôn nơi, như Đức Trọng, Tuấn Thoa, Tân Tiến, Hải Huyền, Thiệp Quỳnh, Thúy Bẩy, Thanh Hảo, Thương Huyền.
Người Sông Cầu sau hơn nửa thế kỷ vẫn giữ nhiều vạt chè xưa, vẫn nâng niu búp chè trung du, làm ra dòng chè riêng cho “tệp” khách hàng truyền thống. Tôi nhớ Ngọc Hà (xóm Liên Cơ), luôn kể về mẹ mình cùng cánh chè xao xác trên bếp lửa. Nay mở quán Trà đạo ở Hà Nội, Hà đã nâng chén trà quê mình lên tầm mới: Trà thiền.
Hai cụ Vũ Tá Quý và Nguyễn Thị Hiền, cặp vợ chồng ở nhà tập thể của Nông trường Chè Sông Cầu năm xưa, dắt tôi đi thăm vùng chè. Nhìn miền chè xanh mềm như sóng nhạc mênh mang dưới nắng, nghe tiếng máy sao chè chạy rì rầm, hương trà ướp đẫm không gian và nụ cười của hai chứng nhân của vùng chè, tôi biết cây chè ở đây đã đứng được ở vị trí solo đầy thử thách.
Vùng chè Sông Cầu, Đồng Hỷ.
Thì thầm với sông Cầu
Cũng một mình một khoảnh, chỉ thì thầm với khúc sông Cầu hiền hậu, vùng chè Trại Cài gồm các xóm Cà Phê, Sông Cầu, Trại Cài (xã Minh Lập) cũng tự tin “hát solo”. Chè Trại Cài đậm nước, đậm hương lại có vị ngậy rất riêng biệt. Những vạt chè cổ xưa ở đây hơn 60 tuổi, cùng “mẹ” sinh ra là Nông trường Chè Sông Cầu. Nhưng khác với cây chè ở trên đồi bát úp, chè Trại Cài hầu hết “hạ sơn” xuống bãi bồi ven sông.
Chị Trần Thị Phương (63 tuổi) xóm Cà Phê kể: Bố tôi là Trần Tiến Dũng, sinh 1927, năm 13 tuổi phiêu dạt lên đất này. Rồi cụ lấy vợ là cụ bà Nguyễn Thị Hoàn, ở xóm Bình Định (xã Tân Cương). Năm 1962, cụ đưa gia đình trở về xóm Cà Phê này. Khi đó dân ít lắm, nhà cửa thưa thớt, họ trồng mía bán cho Nhà máy Đường Minh Lập. Chúng tôi chính thức sống nhờ cây chè từ khoảng năm 1985. Chục năm về trước, có người chở đất đồi đổ vào bãi soi để trồng chè, ai ngờ chè lên bời bời, chất nước khác hẳn.
Cây chè đặc biệt ưa “anh” đá phấn (loại đá mềm, tơi xốp, màu trắng, một dạng của đá vôi tự nhiên). Dân sành chè thích uống nhất loại chè trồng ở vùng đá phấn, ở mỏm núi Nghê, núi Khiểm, khu núi đá hang Le - chị Phương đúc kết.
Người Trại Cài “sống khỏe” nếu nhà có vài sào chè. Cháu Trần Thị Ngọc Hà cho biết 5 sào chè nhà cháu một năm cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Trước đó, chè nhà cháu thường không được thu hoạch vào các tháng cuối năm, nay do hợp đồng bán búp tươi cho Công ty Cổ phần Chè Trại Cài, nên cuối năm tụt sản lượng thì được Công ty bù. Chưa kể, phân, thuốc cũng do Công ty hỗ trợ, hướng dẫn cách chăm bón đúng quy trình. Cháu Hà còn bảo, thời điểm khan hiếm, thương lái đến trả 100.000đ một cân búp tươi. Chè Trại Cài có giá lắm vì hương vị thơm ngon đặc biệt.
Tin vào cơ đồ cây chè mang lại
Làm nên vị trí solo khó khăn cho cây chè, tất nhiên là nhờ con người. Không được thiên nhiên ban cho quang cảnh hùng vĩ, ngút ngàn thì chủ nhân của vùng chè tạo vẻ duyên dáng bằng vườn chè đẹp, trồng hoa đào, hoa mẫu đơn trang điểm và đặc biệt là làm nên vùng chè an toàn.
Họ đủ thông minh để hiểu rằng, tương lai của con cháu họ nằm ở cung cách làm ăn thật chất và tận tâm của họ từ ngày hôm nay. Họ dám “đánh cược” tài sản của gia đình vì tin vào cơ đồ do cây chè mang lại.
Trần Văn Khởi, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Trại Cài là điển hình. Khởi cho biết đã vay ngân hàng 20 tỷ đồng để đầu tư nhà xưởng và lập công ty sản xuất, kinh doanh chè. “Muốn nhanh thì phải từ từ” - Khởi nói - “Cháu tin vào dự tính của mình. Đó là làm thương hiệu thật tốt và bán hàng đến tay người tiêu dùng, không để thương lái ép giá”.
Khởi đặt 15 điểm bán lẻ bằng cách mời khách uống trà Trại Cài tại các quán ăn sáng ở thành phố Thái Nguyên và Hà Nội. Mỗi tháng Khởi trả công cho 30 nhân viên làm công việc này gần 150 triệu đồng, chưa kể chè và dụng cụ khác, trong khi thu về không đáng kể. Nhưng Khởi tự tin vào tính toán của mình, bởi hầu hết khách hàng sau khi uống chè đã đặt mua, lượng chè bán ra tăng hàng ngày.
Thái Nguyên còn nhiều vùng chè “hát solo” khác. 2 miền xanh thẳm ở trên mới chỉ là chấm phá ban đầu trên hành trình cảm nhận cuộc sống của tôi mà thôi.
(*) Solo: Một mình
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin