Sau những ngày chăm sóc người thân bị đột quỵ tại Khoa Thần kinh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), tôi càng hiểu và sẻ chia với bao vất vả của 29 bác sĩ, điều dưỡng ở đây. Dẫu vậy, họ chưa bao giờ phàn nàn về những đêm Đông giá rét phải trực, chăm sóc bệnh nhân thâu đêm hoặc những đêm Giao thừa không được ở bên người thân. Những “thiên thần áo trắng” ấy chỉ mong người dân biết chăm sóc sức khỏe của bản thân để không bao giờ phải đến bệnh viện do bị đột quỵ.
Điều trị phục hồi cho bệnh nhân bị đột quỵ tại Khoa Thần kinh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên). |
Sự chủ quan của người bệnh
Trong tiết trời nồm ẩm những ngày đầu năm, lượng người nhập viện để điều trị đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) không giảm. Là đơn vị tuyến cuối của các tỉnh miền núi phía Bắc, mỗi tháng, Khoa Thần kinh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) tiếp nhận khoảng 320 bệnh nhân, trong đó có đến hơn nửa số bệnh nhân bị đột quỵ…
Các y, bác sĩ của Khoa cho biết, đột quỵ là tình trạng một phần não bị ngừng đột ngột do mất nguồn máu nuôi dưỡng khi mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ, với tỷ lệ tử vong của bệnh nhân khá cao, từ 30-50%.
Đột quỵ - Tai biến mạch máu não gồm 2 loại cơ bản là nhồi máu não và xuất huyết não. Nhồi máu não là hiện tượng thiếu máu não cục bộ, xuất hiện khi mạch máu bị tắc, hay nghẽn, dẫn đến máu không thể lên được não. Điều này làm cho não không thể nhận được máu nên sẽ chết và bị hoại tử.
Trong khi đó, xuất huyết não thường xảy ra khi một mạch máu nằm trong não bị vỡ ra khiến máu chảy vào các nhu mô não. Sự tăng áp lực đột ngột trong não có thể gây tổn thương các tế bào não xung quanh khối máu tụ. Nếu lượng máu chảy nhanh, gây tăng áp lực đột ngột có thể dẫn đến mất ý thức hoặc tử vong. Theo các chuyên gia sức khỏe, 13% ca đột quỵ xảy ra do chảy máu não. Xuất huyết não chiếm 40% tai biến mạch máu não.
Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ là do tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, béo phì, tăng mỡ máu… gây ra biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra còn do chế độ sinh hoạt không lành mạnh như lười vận động, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, ăn nhiều chất béo…
Tai biến mạch máu não là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay không phải người dân nào cũng hiểu được điều này. Bởi vậy, nhiều người vẫn rất chủ quan với các triệu chứng của bệnh.
Những ngày chăm sóc người thân trong bệnh viện, tôi không khỏi xót xa khi phải chứng kiến những câu chuyện thương tâm. Đó là trường hợp của ông T.V.Q, sinh năm 1949, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên). Thời trẻ, ông Q. được trời phú cho một sức vóc cao ráo, khỏe khoắn. Khi bước vào độ tuổi 60, ông vẫn rất phong độ, làn da đỏ hồng, dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát. Mỗi khi vào vụ cấy cầy, nhiều trai tráng trong làng không theo kịp những đường cầy của ông. Cũng chính vì có sức khỏe tốt nên ông Q. chưa bao giờ đi khám bệnh. Những hôm trái nắng trở trời, dù có hiện tượng đau đầu, chóng mặt, ông chỉ lên giường nằm nghỉ nửa buổi là thấy khỏe lại. Đặc biệt, mỗi khi nhà có “cỗ”, ông Q. uống rượu khỏe hơn cả thanh niên.
Tuy nhiên, trong một lần đang ngồi chuyện trò cùng con cái, ông Q. bị ngã và rơi vào tình trạng hôn mê. Khi ông được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ kiểm và phát hiện ông bị tai biến mạch máu não do huyết áp tăng quá cao. Từ một ông lão quắc thước, sau 1 tháng điều trị trong bệnh viện, ông Q. chỉ còn da bọc xương. Ông đã bị liệt toàn thân, không thể nói hay tự làm bất cứ việc gì. Mọi sinh hoạt cá nhân của ông đều lệ thuộc vào các con.
Chị Lê Thị Thu, con dâu của ông Q., xót xa nói: Sự chủ quan đã khiến bố tôi phải nằm liệt giường suốt những ngày cuối đời. Dù rất thương ông, nhưng chúng tôi chỉ có thể chăm sóc cho ông thật tốt chứ không làm được gì hơn vì bố tôi không thể hồi phục được nữa…
Không chỉ chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, nhiều người còn khiến cho tình trạng bệnh của bản thân nặng hơn khi đến bệnh viện quá muộn. Bà N.T.T, xã Bình Thuận (Đại Từ), là một trường hợp như thế. Khi thấy bản thân có hiện tượng tê bì chân tay, khó nói, một bên chân không cử động được, bà cho rằng mình bị cảm, chỉ cần đánh gió là được, vì thế nhất quyết không chịu đi viện. Do đó, bà đã bỏ qua “giờ vàng” trong điều trị đột quỵ nên khả năng phục hồi kém, chịu nhiều di chứng như khó nói, bị liệt nửa người…
Và những trăn trở của thầy thuốc
Trò chuyện cùng chúng tôi, bác sĩ CKII Bùi Thị Huyền, Trưởng Khoa Thần kinh, rất trăn trở khi phải chứng kiến nhiều bệnh nhân bị các di chứng nặng nề sau đột quỵ. Chị Huyền cho hay: Người bị xuất huyết não, nhồi máu não có thể phải gánh chịu những di chứng như: Liệt nửa người, méo miệng, suy giảm nhận thức… Sự mất mát đột ngột này thường khiến cuộc sống của người bệnh đảo lộn và tinh thần xuống dốc nghiêm trọng, có thể rơi vào trầm cảm. Điều đáng nói là phục hồi sau đột quỵ là một quá trình vô cùng phức tạp và có thể kéo dài, phụ thuộc vào mức độ tổn thương não, thể trạng của người bệnh, tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ,... Có những người chỉ mất 1 - 2 tháng đã phục hồi cơ bản, nhưng có không ít trường hợp mất tới 10 năm, 20 năm, thậm chí cả quãng đời còn lại để điều trị nhưng vẫn phải vật lộn với các di chứng sau đó. Trong khi đó, cơ hội phục hồi rất cao nếu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện sớm. Thực tế điều trị tại Khoa cho thấy, phần lớn người đột quy - tai biến mạch máu não được đưa đến bệnh viện đều đã qua giờ vàng (từ 3 đến 6 giờ đầu sau khi xảy ra đột quỵ).
Như để minh chứng cho những nhận định của mình, chị Huyền đưa ra rất nhiều dẫn chứng cụ thể. Theo chia sẻ của chị, một trong những trường hợp chị cảm thấy đáng tiếc nhất là một bệnh nhân cao tuổi ở phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên). Được đưa vào bệnh viện trong “giờ vàng”, nhưng do sự thiếu quyết đoán, không hợp tác của cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nên việc điều trị bị chậm, dẫn đến bệnh nhân vẫn để lại di chứng như vận động khó khăn, nói khó…
Hay như một trường hợp ở Đại Từ, bị nhồi máu não được đưa đến bệnh viện trong tình trạng khá nguy kịch. Bệnh nhân được chỉ định kết hợp tiêm tiêu sợi huyết là lấy khối huyết. Đáng tiếc là người thân của bệnh nhân không đồng ý thực hiện phương pháp điều trị này nên người bệnh bị di chứng nặng, phải ngồi xe lăn suốt đời…
Khi cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, tình trạng đột quỵ không chỉ xẩy ra ở những người cao tuổi mà đã xuất hiện ở những người trẻ. Thực tế này cũng khiến những thầy thuốc của Khoa Thần kinh rất trăn trở. Anh N.M.H, xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên), là một trong những trường hợp như thế. Dù mới 37 tuổi nhưng anh H. đã có tiền sử huyết áp cao. Sau khi xuất hiện đột quy, anh được đưa đến bệnh viện muộn nên qua chẩn đoán bằng hình ảnh, não của anh đã có di chứng.
Anh H. chia sẻ: Dù bị di chứng nhẹ, vẫn có thể đi lại nhưng tôi thấy sức khỏe của mình yếu đi nhiều. Đăc biệt, bàn tay trái không cầm được đồ vật nặng hơn 2kg, bước đi cũng không được nhanh nhẹn như trước. Các bác sĩ cảnh báo tôi phải giữ gìn sức khỏe để không bị đột quỵ lần 2, dẫn đến nguy cơ bị liệt nửa người hoặc toàn thân…
Thực hiện mục tiêu phát triển xứng tầm với bệnh viện hạng đặc biệt, hiện nay, Khoa Thần kinh đã được hỗ trợ cung cấp đủ thuốc và thiết bị y tế điều trị đột quỵ não cấp như máy thở Drager, máy monitor theo dõi, máy điện tim, máy hút dịch, máy đo đường huyết, túi cấp cứu tiêu sợi huyết,… Đây chính là nền tảng vững chắc giúp chúng tôi điều trị thành công các bệnh nhân đột quỵ được đưa đến trong “giờ vàng”. Từ đó giúp họ phục hồi nhanh chóng và có thể hồi phục hoàn toàn - Bác sĩ Huyền nói.
Có thể khẳng định, y học ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc nhiều ca bệnh khó có thể được điều trị thành công, trong đó có đột quỵ. Dẫu vậy, cùng với sự nỗ lực của các y, bác sĩ thì người dân cũng cần nâng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe bằng việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Cùng với đó là ăn uống khoa học, lành mạnh, tập thể dục điều đặn và chủ động đến bệnh viện càng sớm càng tốt khi có các triệu chứng của đột quỵ - tai biến mạch máu não…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin