Người đứng đầu ngành công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối này sẽ phải chuyển sang mô hình kinh tế thời chiến nếu muốn đáp ứng nhu cầu chiến trường ngày càng tăng của Ukraine.
Một quả đạn cỡ 155mm được vào bên trong lựu pháo M777 Howitzer do Mỹ sản xuất. Ảnh: US Army |
Ủy viên phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton đã thảo luận về kế hoạch tăng cường vận chuyển vũ khí và đạn dược tới Ukraine tại buổi làm việc với tờ báo Financial Times. Quan chức này cho biết ông đang làm việc với người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell để mở rộng sản xuất công nghiệp ở châu Âu, giảm tắc nghẽn nguồn cung, đồng thời gây sức ép lên các ngân hàng để tăng cường cho vay nhằm tạo điều kiện chuyển giao quân sự cho Kiev.
“Tôi tin rằng đã đến lúc ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu chuyển sang mô hình kinh tế thời chiến để đáp ứng nhu cầu sản xuất quốc phòng của chúng ta", ông Breton phát biểu với Finacial Times ngày 3/3. Ông đồng thời cho biết thêm rằng ông và Borrell hoàn toàn quyết tâm hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu để đối mặt với thực tế về một cuộc xung đột cường độ cao.
Mặc dù một số nhà ngoại giao giấu tên đã bày tỏ sự nghi ngờ của họ với Financial Times về nguồn chi phí cần thiết, những nỗ lực nhằm tăng tốc độ giao hàng cho Kiev và bổ sung kho dự trữ nội địa của châu Âu - được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksey Reznikov đề nghị EU cung cấp 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng - đã vượt xa mọi kế hoạch hiện có của khối.
Trong bức thư gửi cho các nhà lãnh đạo quốc phòng châu Âu hôm 3/3, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Reznikov đã nói về vai trò quan trọng của pháo binh trên chiến trường cùng tuyên bố quân đội Ukraine đốt cháy 110.000 quả đạn 155mm cứ sau vài tuần.
Theo tuyên bố của ông Reznikov, quân đội Ukraine bị giới hạn bởi số lượng đạn pháo có sẵn và cần ít nhất 356.400 viên đạn mỗi tháng để thực hiện thành công các nhiệm vụ, hoặc 594.000 quả đạn hàng tháng để sử dụng hết công suất pháo binh của họ.
Theo tờ báo trên, ông Borrell đang hướng tới một kế hoạch ít tham vọng hơn, thay vào đó hy vọng giải ngân 1 tỷ euro trong vài tháng tới để trang trải một phần hóa đơn đạn pháo do các đồng minh tài trợ.
Với chi phí tăng vọt trong bối cảnh thiếu hụt ngày càng tăng trên lục địa, đạn pháo 155mm sản xuất ở châu Âu có thể lên tới 3.300 euro cho một viên đạn. Dựa trên ước tính từ hợp đồng vũ khí được ký giữa các thành viên EU cho thấy loại đạn mà Kiev tìm kiếm có thể tiêu tốn của khối này khoảng 825 triệu euro chỉ trong một tháng.
Thật khó để theo dõi có bao nhiêu quả đạn mà Ukraine đã nhận được từ kho vũ khí của những người ủng hộ châu Âu, nhưng trong năm qua, chỉ riêng Mỹ đã gửi hơn 1 triệu quả đạn pháo 155mm cho Kiev, theo dữ liệu mới nhất của Lầu Năm Góc.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3/3 thông báo sẽ gửi một gói viện trợ quân sự mới trị giá 400 triệu USD cho Ukraine. Gói này là đợt viện trợ quân sự thứ 33 dành cho Ukraine kể từ tháng 8/2021. Từ khi Nga bắt đầu hoạt động quân sự ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Mỹ đã gửi cho Kiev số vũ khí trị giá hơn 32 tỷ USD, trong số quỹ hơn 110 tỷ USD mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden phân bổ để viện trợ quân sự và kinh tế.
Theo một tuyên bố của Lầu Năm Góc, gói viện trợ gồm đạn pháo 155 mm và 125 mm, đạn pháo tự động 25 mm, đạn cho Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS), cầu dã chiến, đạn phá hủy và thiết bị sửa chữa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin