Chỉ riêng việc ném bom xuống Dải Gaza nhằm tấn công Hamas, quân đội Israel có thể đã tiêu tốn hơn 2 tỷ USD.
Cảnh đổ nát sau các vụ oanh tạc của Israel xuống thị trấn Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza ngày 25/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas ngày 7/10 đã kích hoạt chiến dịch Những Thanh kiếm sắt của Israel. Phản ứng đầu tiên trên thực địa được Israel đưa ra chính là các cuộc oanh kích của không quân nước này, lực lượng đã được cung cấp một danh sách dài các mục tiêu tiềm năng để họ quyết định có tấn công hay không. Logic ở đây là để cho người Israel và người Palestine thấy rằng Tel Aviv có thể phản ứng nhanh chóng, kiên quyết và không nương tay.
Theo hãng tin Al Jazeera, ban đầu, Israel cho công bố các báo cáo về số lượng các cuộc không kích mà họ tiến hành. Nhưng sau đó có lẽ Israel nhận ra rằng việc thừa nhận đã ném bom Gaza hàng nghìn lần ảnh hưởng không tốt tới quan hệ công chúng, cho nên, đã chuyển sang báo cáo số lượng “mục tiêu” mà họ tấn công. Con số cuối cùng được công bố khoảng một tuần trước cho biết 12.000 mục tiêu đã bị tấn công. Israel không thông tin cụ thể về cách các mục tiêu đó bị tấn công hay các mục tiêu đó bị tấn công bằng phương tiện gì.
Khói bốc lên sau các vụ oanh tạc của Israel xuống Dải Gaza, ngày 25/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Số lượng các vụ tấn công không nói lên nhiều điều, nhưng từ tổng số quả bom được sử dụng lại có thể suy ra rất nhiều điều, Tuần này, các quan chức Palestine nói rằng 18.000 tấn bom đã được thả xuống Dải Gaza. Hình ảnh về sự tàn phá trên mặt đất tại vùng lãnh thổ nhỏ bé của Palestine phù hợp với con số này.
Hầu hết các quả bom được thả xuống Dải Gaza đều thuộc dòng Mk80 do Mỹ thiết kế. Loại bom này đã được đưa vào sử dụng kể từ Chiến tranh Việt Nam. Ban đầu, chúng được thiết kế dưới dạng vũ khí thông thường, được thả rơi tự do hay còn gọi là "bom câm". Sau đó, chúng liên tục được hiện đại hóa, trở thành "bom thông minh" để tấn công các mục tiêu phức tạp. Những quả bom này được chế tạo với nhiều kích cỡ khác nhau, được phân loại theo trọng lượng, gồm loại 120kg, 250kg, 500kg và 1.000kg.
Chiến đấu cơ F-15 của không quân Israel bay gần khu vực giáp giới với Dải Gaza, ngày 19/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong chiến dịch đường không nhằm vào Gaza, không quân Israel sử dụng ba loại máy bay cánh cố định chính, tất cả đều do Mỹ sản xuất. Trong đó, máy bay chiến đấu F-15 đóng vai trò chính trong việc đảm bảo ưu thế trên không, mặc dù một số máy bay loại khác cũng có thể được sử dụng làm nhiệm vụ ném bom. Israel đã đặt mua 75 máy bay chiến đấu-ném bom F-35 loại hiện đại nhất, tới nay đã nhận được khoảng 40 chiếc. Những máy bay phản lực này có thể không được sử dụng để ném bom Gaza, nhưng chúng có nhiệm vụ tuần tra trên bầu trời để răn đe và loại bỏ bất kỳ mối đe dọa nào. Tuần này, một đoạn video được công bố đã ghi lại cảnh một chiếc F-35 bắn hạ một tên lửa hành trình của lực lượng Houthi ở Yemen phóng vào Israel.
Loại máy bay chủ lực trong chiến dịch ném bom Dải Gaza là F-16. Israel đã chế tạo một phiên bản sửa đổi của loại máy bay chiến đấu này để phù hợp với chiến thuật của mình, trong đó thành viên thứ hai của phi hành đoàn có nhiệm vụ chính là điều khiển vũ khí chính xác. Hiện nay có khoảng 100 chiếc F-16 loại này đang phục vụ trong không quân Israel. Mặc dù mỗi chiếc F-16 có thể mang theo 7 tấn vũ khí, nhưng ở đây có thể giả định rằng mỗi chiếc F-16 chỉ cất cánh với 4 quả bom.
Nếu cả 4 quả bom đều là phiên bản nặng 1.000kg thì cần 4.500 chuyến bay để vận chuyển 18.000 tấn bom. Nhưng không phải tất cả bom được sử dụng đều thuộc loại nặng nhất, cho nên, số chuyến bay ném bom xuống Dải Gaza có thể lên tới gần 6.000 chuyến.
Không quân Israel có khoảng 170 chiếc F-16 thuộc mọi phiên bản. Theo tiêu chuẩn, vào bất cứ thời điểm nào, không quân cũng có khoảng 20% số máy bay trong tình trạng bảo trì, nâng cấp hoặc sửa chữa thường xuyên. Israel nổi tiếng với sự hỗ trợ chuyên nghiệp và nhanh chóng, vì vậy, khoảng 150 trong số 170 chiếc F-16 có thể được sử dụng bất cứ lúc nào. Khi chiến dịch tấn công Dải Gaza tiếp tục, số lượng máy bay hoạt động được sẽ giảm đi do việc sử dụng liên tục sẽ yêu cầu bảo trì bổ sung và thay thế các bộ phận bị hao mòn. Nhưng điều đó sẽ xảy ra dần dần và Israel có thể duy trì hơn 100 chiếc F-16 trong tình trạng sẵn sàng hoạt động.
Khói bốc lên từ các tòa nhà sau vụ oanh kích của quân đội Israel xuống phía Bắc Dải Gaza ngày 28/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Với gần 6.000 chuyến bay để thả 18.000 tấn bom, trung bình mỗi chiếc F-16 sẽ phải thực hiện 1,5 phi vụ chiến đấu mỗi ngày. Hiện nay, Israel có không dưới 7 căn cứ không quân nằm trong phạm vi từ 50 -100 km tính từ Dải Gaza. Với khoảng cách như vậy, phi công chỉ mất thời gian rất ngắn là có thể đưa máy bay tiếp cận mục tiêu, cho nên, họ có thể duy trì bay với tần suất hiện tại mà không phải lo lắng về sự mệt mỏi. Hơn nữa, tất cả các lực lượng không quân đều cố gắng có ít nhất hai, tốt nhất là ba phi hành đoàn cho mỗi máy bay. Mặc dù con số chính xác luôn là một trong những bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất, nhưng lực lượng không quân Israel được cho là có đủ phi công trực chiến và dự bị để duy trì luân chuyển thường xuyên.
Mặc dù Israel không cần lo lắng về khả năng thiếu binh sĩ cho các trận không chiến, nhưng nước này có thể phải tính đến vấn đề hậu cần và tài chính cho chiến dịch ném bom.
600 tấn bom sử dụng mỗi ngày là một con số đáng kể. Chúng cần khoảng 30 xe tải chỉ để vận chuyển. Chi phí mua bom cũng không hề ít. Một quả bom nặng 1.000kg khiến lực lượng không quân Mỹ tiêu tốn tới 16.000 USD. Một khách hàng nước ngoài nhỏ như Israel sẽ phải trả mức giá cao hơn, có thể là 25.000 USD cho một quả bom nặng 1.000kg phiên bản câm mà chưa tính tới chi phí để mua các thiết bị điện tử và phần cứng để bom câm thành bom thông minh, có thể tấn công các mục tiêu phức tạp. Thường thì, giá các thiết bị điện tử và phần cứng như vậy đắt hơn nhiều so với tiền mua bom câm.
Điều đó có nghĩa, với trung bình 600 tấn bom thả xuống Dải Gaza hằng ngày, nếu chỉ sử dụng loại cơ bản, Israel đã tiêu tốn ít nhất 15 triệu USD. Với các trang thiết bị bổ sung, con số này sẽ tăng lên, ít nhất là 25 triệu USD mỗi ngày. Với tốc độ đó, chiến dịch ném bom cho đến nay đã tiêu tốn của Israel tối thiểu 750 triệu USD chỉ riêng cho bom.
Còn chi phí bổ sung thì sao? F-16 được cho là có chi phí bay vào khoảng 8.000 USD/giờ. Giả sử tối thiểu mỗi ngày không quân Israel thực hiện 300 giờ bay, số tiền tiêu tốn sẽ là khoảng 2,5 triệu USD, tương đương 75 triệu USD cho đến nay.
Nếu cộng thêm các hoạt động phụ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ ném bom như giám sát, trinh sát, tác chiến điện tử, cảnh báo sớm trên không, chỉ huy và kiểm soát…, tổng chi phí cho chiến dịch trên không sẽ tăng vọt. Đến nay, Israel có lẽ đã chi ít nhất 2 tỷ USD để ném bom Gaza và con số này có thể còn cao hơn. Nhưng, chi phí đó chưa bao gồm việc huy động và trang bị vũ khí cho 360.000 quân dự bị được huy động sau khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ cũng như việc tiến hành cuộc chiến trên bộ mà Israel đã bắt đầu vào tuần trước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin