Hai nhà phân tích hàng đầu của Tạp chí Phố Wall cảnh báo suy thoái toàn cầu có thể xảy ra do cuộc xung đột ở Trung Đông, trong bối cảnh khủng hoảng nhân đạo đang làm gia tăng hàng loạt thách thức đối với nền kinh tế thế giới vốn đã bấp bênh.
Khói bốc lên từ các tòa nhà, nhìn từ phía biên giới Israel, khi Quân đội Israel ném bom phía bắc Gaza. Ảnh: Getty Images |
Theo trang The Guardian (Anh), ông Larry Fink, Giám đốc điều hành của Công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, BlackRock, cho biết sự kết hợp giữa cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10, cuộc tấn công của Israel vào Gaza và xung đột Nga - Ukraine đã đẩy thế giới tới một tương lai hoàn toàn mới.
“Rủi ro địa chính trị là yếu tố chính trong việc định hình cuộc sống của chúng ta. Nỗi sợ hãi ngày càng gia tăng trên khắp thế giới, trong khi hy vọng đang lụi dần. Điều này tạo ra hiện tượng giảm tiêu dùng hoặc chi tiêu nhiều hơn. Vì vậy, nỗi sợ hãi sẽ tạo ra tình trạng suy thoái về lâu dài. Nếu chúng ta còn lo sợ, khả năng xảy ra suy thoái ở châu Âu sẽ tăng lên và khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ cũng gia tăng”, ông Fink nhận định.
Ông Jamie Dimon, Chủ tịch JP Morgan - Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, cũng bình luận sự kết hợp giữa cuộc chiến của Israel chống lại lực lượng Hamas và xung đột ở Ukraine là “khá đáng sợ và khó lường”.
“Những gì đang diễn ra trên mặt trận địa chính trị hiện nay là điều quan trọng nhất định hình tương lai của thế giới - tự do, dân chủ, lương thực, năng lượng, nhập cư”, ông cho hay.
Những bình luận trên được đưa ra 3 tuần sau khi ông Dimon đưa ra nhận xét mang tính chất tương tự. Ông Dimon là một trong những nhà kinh tế nổi tiếng nhất thế giới. Tháng trước, ông cảnh báo rằng đây là thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ. Xung đột leo thang có thể tác động sâu rộng đến giá năng lượng, chi phí lương thực, thương mại quốc tế và quan hệ ngoại giao.
Ông Jamie Dimon, Chủ tịch JP Morgan. Ảnh: Reuters |
Một trong những lý do khiến cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas được coi là mối đe dọa kinh tế toàn cầu là do thế giới phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ của khu vực Trung Đông, vốn chiếm 1/3 thị trường. Các nhà kinh tế lo ngại rằng giá dầu tăng đột biến có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Một cơ quan xếp hạng tín dụng hàng đầu cảnh báo nền kinh tế toàn cầu cũng có nguy cơ hứng chịu cú sốc lạm phát mới do cuộc chiến giữa Israel và Hamas, trong bối cảnh giá dầu có khả năng tăng mạnh.
Tại Anh, hoạt động yếu kém của nền kinh tế đang làm tăng nguy cơ suy thoái vốn đang rình rập nước này. Tuần trước, trong báo cáo chính sách tiền tệ, Ngân hàng Anh cho biết Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) của Vương quốc Anh dự kiến không thay đổi trong quý 3 năm nay, yếu hơn so với dự kiến trong báo cáo tháng 8. Một số cuộc khảo sát kinh doanh khác cho thấy sản lượng sẽ giảm nhẹ trong quý 4, nhưng những cuộc khảo sát khác lại ít bi quan hơn. GDP dự kiến sẽ tăng 0,1% trong quý 4, cũng yếu hơn dự kiến trước đó.
Trong khi đó, Câu lạc bộ EY ITEM dự đoán hoạt động cho vay thế chấp ở Anh dự kiến cũng ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong thập kỷ vào năm 2023 và 2024. Nhà dự báo kinh tế này dự kiến các khoản cho vay thế chấp sẽ tăng 1,5% ròng vào năm 2023 - và 2% ròng vào năm 2024 - thể hiện mức tăng trưởng thấp nhất trong khoảng thời gian 2 năm trong một thập kỷ qua. Nguyên nhân là thị trường trì trệ là do lãi suất thế chấp cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại và tâm lý thị trường nhà ở suy yếu.
Bà Anna Anthony, đối tác quản lý dịch vụ tài chính tại Vương quốc Anh của EY, cho biết Anh vẫn đang trên đà tránh suy thoái trong năm nay, nhưng môi trường kinh tế vẫn còn nhiều thách thức.
“Áp lực đáng kể về chi phí sinh hoạt tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của các hộ gia đình và ngày càng có nhiều hộ gia đình gặp khó khăn trong việc trả nợ”, bà nói.
Tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz. Ảnh: Reuters |
Theo giới chuyên gia, vẫn còn quá sớm để nói rằng cuộc xung đột Israel - Hamas gây ra rủi ro lớn như thế nào đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh, nhưng những dấu hiệu cảnh báo đã khá rõ ràng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang nuôi vào hy vọng về màn hạ cánh nhẹ nhàng, trong đó nền kinh tế sẽ hoạt động chậm lại, nhưng không sụp đổ dưới sức nặng của đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong nhiều thập kỷ. Giới chức cũng không cho rằng có nhiều khả năng giá tài sản sẽ sụt giảm nếu lãi suất duy trì ở mức cao lâu hơn.
Cũng không có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều nhà kinh tế chú ý đến cảnh báo của ông Dimon rằng “đây có thể là thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ”.
Cuộc xung đột ở Trung Đông cũng có khả năng đảo ngược tình trạng lạm phát giảm gần đây, khiến lãi suất của các ngân hàng trung ương tăng cao và tình trạng bán tháo trên thị trường tài chính.
Báo cáo Thương mại và Phát triển tháng trước của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển cho biết ngay cả trước xung đột ở Trung Đông, lãi suất cao đã dẫn đến bất bình đẳng gia tăng và đầu tư thấp hơn.
Thế giới vừa trải qua tháng 9 nóng kỷ lục, xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, COVID-19 và hậu quả của đại dịch này đã khiến số người sống trong cảnh nghèo đói lần đầu tiên gia tăng trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, sự sẵn sàng hợp tác của các quốc gia giải quyết vấn đề vẫn ở mức thấp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin