Các nhà khoa học đã phát hiện ra 2 tiểu Hải Vương tinh đang mất dần bầu khí quyển do bức xạ từ các ngôi sao mẹ và trở thành một dạng hành tinh ngoài hệ Mặt Trời như siêu Trái Đất.
Theo đài Sputnik (Nga), tiểu Hải Vương tinh là hành tinh có quỹ đạo gần với các ngôi sao của chúng. Giống như sao Hải Vương của Hệ Mặt Trời, những hành tinh này chủ yếu bao gồm khí hydro và heli, nhưng có bầu khí quyển dày hơn.
Các nhà vật lý thiên văn thuộc Viện Công nghệ California (Mỹ) đã quan sát 2 tiểu hành tinh nằm ngoài hệ Mặt Trời, hành tinh thứ nhất mang tên TOI 560, cách Trái Đất 103 năm ánh sáng, và hành tinh khác mang tên HD 63433, cách Trái Đất 73 năm ánh sáng. Họ phát hiện ra rằng bầu khí quyển trong tiểu Hải Vương tinh gần nhất đang thoát dần và di chuyển về phía ngôi sao trong hành tinh TOI 560. Họ cũng quan sát thấy hiện tượng tương tự ở tiểu Hải Vương tinh xa nhất trong hành tinh HD 63433.
Qua hàng trăm triệu năm, quá trình thất thoát khí quyển khốc liệt này sẽ khiến cả 2 hành tinh chỉ còn trơ lõi đá, có thể chỉ giữ được một lớp khí quyển mỏng, thậm chí là mất hết và trở thành siêu Trái Đất.
Trước đó, các nhà vật lý thiên văn cũng đã xác định được một dạng ngoại hành tinh mới, được đặt tên là Hyceans, có nhiều khả năng chứa bầu khí quyển có thể sinh sống được. Các ngoại hành tinh Hycean hầu hết được bao phủ bởi đại dương (90%) và có bầu khí quyển nóng giàu hydro, lên tới gần 200 độ C, tùy thuộc vào các ngôi sao chủ của chúng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể trước đây, Trái Đất cũng từng giống như một hành tinh Hycean.
Trước phát hiện này, các nhà khoa học tin rằng sự sống có thể tồn tại trên các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, như siêu Trái Đất. Những hành tinh này có thành phần đá và bầu khí quyển tương tự như hành tinh của chúng ta.