Trang trại chăn nuôi xả thải ra môi trường: Phạt xong... vẫn thế

Dương Hưng 07:43, 08/03/2023

Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn được xây dựng ở các địa phương. Mặc dù các quy định về điều kiện, hệ thống công trình bảo vệ môi trường trong chăn nuôi đã được quy định chặt chẽ, nhưng khi đi vào hoạt động không ít trang trại vẫn gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, có những trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng người dân địa phương vẫn liên tục phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm. 

Suối Lọc Lạnh chảy qua địa bàn xã Cát Nê và thị Trấn Quân Chu (Đại Từ) bị ô nhiễm nặng do tình trạng xả thải của một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn.
Suối Lọc Lạnh chảy qua địa bàn xã Cát Nê và thị trấn Quân Chu (Đại Từ) bị ô nhiễm nặng do tình trạng xả thải của một số trang trại chăn nuôi trên địa bàn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm trang trại chăn nuôi lợn, tập trung chủ yếu ở các địa phương: TP. Phổ Yên, TP. Thái Nguyên và các huyện Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai… Với quy mô chăn nuôi từ 1.000 con/lứa trở lên, mỗi ngày, các trang trại này phát sinh lượng chất thải rất lớn.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, các trang trại trước khi đi vào hoạt động đều phải có báo cáo tác động môi trường, kế hoạch và cam kết bảo vệ môi trường thì mới được phép hoạt động. Nếu các trang trại chăn nuôi lợn thực hiện xây dựng đầy đủ các công trình và nghiêm túc thực hiện theo cam kết bảo vệ môi trường thì cơ bản không gây ô nhiễm. 

Tuy nhiên, qua thực tế tìm hiểu của chúng tôi, nhiều trang trại khi đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Cá biệt, có những trang trại chăn nuôi lợn bị xử phạt vi phạm hành chính vì xả chất thải trực tiếp ra sông, suối, gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn tái phạm.

Cụ thể như trang trại của bà Trần Thị Mai, xóm Soi Vàng, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), được xây dựng và hoạt động từ năm 2006. Đến năm 2010, trang trại có quy mô chăn nuôi 1.200 lợn nái, 2.000 lợn con và 5.000 lợn thịt. Năm 2021, trang trại này bị truy thu tổng số tiền hơn 860 triệu đồng phí bảo vệ môi trường. Năm 2022, trang trại của bà Mai tiếp tục bị người dân phản ánh việc xả trực tiếp chất thải ra sông, suối nên bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt 816 triệu đồng. Đồng thời, bị yêu cầu tạm dừng chăn nuôi 7 tháng 15 ngày để hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải và các công trình bảo vệ môi trường…

Hay như trường hợp dòng suối Lọc Lạnh, bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo, chảy qua xã Cát Nê và thị trấn Quân Chu (Đại Từ) cũng đang bị “bức tử” bởi một số trang trại chăn nuôi. Trong đó, trang trại của ông Dương Công Tuấn, ở xóm Nông Trường, xã Cát Nê, bị người dân nhiều lần phản ánh tình trạng xả thải ra suối gây ô nhiễm nguồn nước và khiến dòng nước bốc mùi hôi thối. Đầu năm 2022, trang trại này đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 55 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Dậu, nhà ở xóm Nông Trường, cho biết: Từ khi trang trại này đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm nặng nề đối với nguồn nước của suối Lọc Lạnh. Cứ mỗi khi người dân phản đối, chính quyền địa phương xuống kiểm tra thì trang trại hạn chế xả thải, nhưng chỉ được vài ngày…

Mặc dù trang trại của ông Tuấn đã bị xử phạt và yêu cầu hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải, nhưng vào ngày 23-2 vừa qua, khi chúng tôi đi khảo sát thực tế thì suối Lọc Lạnh vẫn bị ô nhiễm nặng, nước chuyển màu đen kịt, sủi bọt và bốc mùi hôi thối…

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng chục trang trại chăn nuôi bị xử phạt hành chính do gây ô nhiễm môi trường thời gian qua. Hầu hết các trang trại bị xử phạt đều được cơ quan chức năng yêu cầu hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải và các công trình bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, rất ít cơ sở thực hiện nghiêm túc.

Theo ông Nguyễn Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã Nga My (Phú Bình): Ở địa phương có trang trại của gia đình ông Tạ Văn Thuần, ở xóm Đại An, thường xuyên gây ô nhiễm môi trường. Khi chính quyền kiểm tra, chủ trang trại có đưa ra được kế hoạch và cam kết bảo vệ môi trường, nhưng khi thực hiện xử lý chất thải lại không đúng so với cam kết… Trong khi đó, việc xử lý trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm của chính quyền cơ sở gặp vướng mắc. Bởi ngoài lý do phòng, chống dịch bệnh của các trang trại thì thẩm quyền hạn chế, công tác thu mẫu vật để đánh giá mức độ ô nhiễm để đưa ra mức phạt chính xác cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thái Nguyên, hầu hết các trang trại nằm ở ven suối đầu nguồn, nhiều trường hợp đã lợi dụng điều này để xả trộm nước thải, gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Vì vậy, người dân tha thiết mong muốn cơ quan chức năng siết chặt hơn nữa công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để bảo vệ môi trường và đảm bảo cuộc sống ổn định cho cư dân địa phương.