Thay đổi từ nhận thức đến hành động về môi trường

Dương Hưng 08:28, 05/06/2024

Xác định người dân có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), thời gian qua, các ngành, cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong lĩnh vực này. Một trong những giải pháp được đặc biệt quan tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về BVMT.

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Lương ra mắt mô hình điểm “Tuyến phố văn minh không rác” tại tổ dân phố Dương Tự Minh, thị trấn Đu. Ảnh: T.H
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Lương ra mắt mô hình điểm “Tuyến phố văn minh không rác” tại tổ dân phố Dương Tự Minh, thị trấn Đu. Ảnh: T.H

Trên tuyến Quốc lộ 37, đoạn từ xã Nhã Lộng đến xã Thượng Đình (Phú Bình), trước đây có hàng chục điểm vứt rác thải sinh hoạt, nhất là ở các địa điểm kênh mương dọc tuyến đường. Rác và cả xác động vật được cho vào túi nilon, bao tải bị vứt bừa bãi, phát tán mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù chính quyền địa phương đã cắm biển cấm vứt rác, nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn thì lại đâu vào đấy.

Ông Lê Đăng Toàn, Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng, chia sẻ: Dọc Quốc lộ 37 đoạn qua địa bàn xã có 4-5 điểm vứt rác thải sinh hoạt tồn tại cả chục năm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ dân sinh sống gần đó. Trước thực trạng này, cùng với việc cắm biển cấm vứt rác, xây dựng và ký kết hợp đồng thu gom với đơn vị xử lý rác, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân. Nhờ đó, khoảng 2 năm trở lại đây, tình trạng vứt rác thải sinh hoạt dọc Quốc lộ 37 đoạn qua địa bàn xã không còn, người dân bỏ rác đúng nơi, đúng giờ quy định. Một số hộ ở khu vực nông thôn chủ động mua thùng nhựa và đào hố để chôn ủ rác thải hữu cơ.

Trồng cây xanh trong khuôn viên Khu công nghiệp Yên Bình, góp phần tạo “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường. Ảnh: T.L
Trồng cây xanh trong khuôn viên Khu công nghiệp Yên Bình, góp phần tạo “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường. Ảnh: T.L

Giống như Nhã Lộng, xã Trung Lương (Định Hóa) cũng gặp nhiều khó khăn về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Môi trường được coi là một trong những tiêu chí khó nhất của xã khi xây dựng nông thôn mới. Người dân địa phương có thói quen vứt rác ra môi trường, việc thu gom gặp nhiều khó khăn do dân cư sinh sống phân tán.

Để giải quyết vấn đề này, năm 2022, UBND xã phối hợp với Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên và Môi trường) tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại địa phương. Đồng thời hỗ trợ thùng nhựa có dung tích từ 120-150l để các hộ bỏ rác thải dễ phân hủy vào ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Đến nay, rác thải của người dân sinh sống dọc tuyến đường tỉnh 264B qua xã Trung Lương đã được thu gom, vận chuyển đi xử lý. Những xóm nằm ở xa, chưa thể thu gom được, người dân tiến hành đốt với các loại túi nilon, giấy vụn, nhựa, còn rác dễ phân hủy được ủ làm phân hữu cơ.

Ông Hoàng Thanh Xuất, Chủ tịch UBND xã Trung Lương, chia sẻ: Sau nhiều lần tuyên truyền và hướng dẫn cụ thể, ý thức của người dân trong việc bỏ rác, xử lý rác sinh hoạt tại địa phương đã được nâng lên rất nhiều.

Về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Thị Lan, Trưởng Khoa Môi trường (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), cho rằng ý thức của người dân quyết định rất lớn đến công tác BVMT. Hiện nay, cơ bản người dân thực hiện tốt công tác BVMT, bỏ rác đúng nơi quy định. Việc phân loại rác thải tại nguồn ở khu vực đô thị sẽ gặp khó khăn hơn. Bởi, khi người dân phân loại rác thải dễ phân hủy phải có chỗ chứa đựng và có nơi thu gom đem đi xử lý. Ngoài ra, các đơn vị thu gom cũng cần đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, như: Thùng đựng, xe chở và nơi xử lý. Ở vùng nông thôn, người dân khi phân loại, ủ rác dễ phân hủy thành phân hữu cơ thì sử dụng bón cho cây trồng. Muốn phân loại rác thải tại nguồn, cần xây dựng các mô hình để tạo sức lan tỏa và có sự đầu tư hỗ trợ nhiều hơn của cơ quan chức năng.

Học sinh Trường THPT Bình Yên (Định Hóa) dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải trên đường tỉnh 264.
Học sinh Trường THPT Bình Yên (Định Hóa) dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải trên đường tỉnh 264.

Theo số liệu của Chi Cục BVMT, hiện nay, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.000 tấn/ngày, với hơn 90% lượng rác thải sinh hoạt tại các địa phương được thu gom, xử lý. Trong đó, khoảng 350 tấn rác thải sinh hoạt được xử lý theo phương thức đốt, đạt khoảng 35%.

Ở một số địa bàn đô thị, cơ quan chức năng đã hỗ trợ các loại thùng đựng rác theo từng loại, như: Thùng đừng rác đốt được, thùng đựng rác không đốt được và thùng đựng rác hữu cơ (dễ phân hủy). Nhằm từng bước nâng cao ý thức người dân trong phân loại rác thải tại nguồn.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVMT (Sở Tài nguyên và Môi trường), cho biết: Xử lý rác thải sinh hoạt là hoạt động quan trọng trong công tác BVMT. Để làm tốt công tác này, hằng năm, Chi Cục BVMT phối hợp với các địa phương tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền, hướng dẫn để người dân và cán bộ làm nhiệm vụ chuyên môn ở cơ sở thực hiện. Các hình thức tuyên truyền cũng phong phú, đa dạng hơn, như: Phương tiện thông tin truyền thông; phát tờ rơi hướng dẫn; mời các chuyên gia hướng dẫn, hội thảo, tọa đàm; hỗ trợ thùng đựng rác, xe gom rác cho người dân và các địa phương. Từ đó, người dân từng bước được nâng cao nhận thức và trách nhiệm về BVMT…