Bản Lác ngày ấy - bây giờ

15:39, 16/04/2015

Vào những ngày này, chúng tôi trở lại xóm Bản Lác 1, xã Kim Phượng - nơi thành lập chính quyền cách mạng cấp huyện của Định Hóa.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi trở lại nơi này là sự đổi thay nhanh chóng của một làng quê giàu truyền thống cách mạng... Ngược dòng lịch sử, ngày 12-3-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Quân và dân Định Hoá gấp rút chuẩn bị kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền. Theo đúng phương án tác chiến, quân khởi nghĩa chia thành 2 mũi chiến đấu. Đúng 3 giờ sáng 26-3-1945, các mũi tấn công đồng loạt nổ súng, đập tan bộ máy thống trị và quân sự của địch tại châu lỵ Chợ Chu chưa đầy hai tiếng đồng hồ. Ngày 28-3-1945, hàng nghìn quần chúng ở tất cả các xã mang theo băng, cờ, biểu ngữ từ các ngả đường tiến về đình Quan đế, Chợ Chu tham dự cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Trước hàng nghìn quần chúng nhân dân, Tri phủ Hà Sĩ Tinh tuyên bố đầu hàng cách mạng vô điều kiện, các chức dịch tay sai lần lượt nộp bằng, triện cho cách mạng.

 

Đến ngày 18-4-1945, 135 đại biểu đại diện cho các xã trong huyện đã họp tại Trường Hương sư ở Bản Lác, xã An Lạc (nay thuộc địa phận xã Kim Phượng) để bầu ra chính quyền cách mạng Phủ Định Hoá. Hội nghị làm việc dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Giản, đại diện của Tổng bộ Việt Minh đã bầu ra bộ máy chính quyền cách mạng lấy tên là Uỷ ban Dân tộc giải phóng Phủ Ngô Quyền - tiền thân của UBND huyện Định Hoá ngày nay. Uỷ ban do Hội nghị bầu ra gồm 5 đồng chí: Ma Đình Tương, Ma Văn Tiến, Nguyễn Văn Sạch, Hoàng Ngọc Đỉnh và Trần Văn Phú. Đồng chí Ma Đình Tương được bầu làm Chủ tịch. Ngay sau khi trúng cử, Uỷ ban Dân tộc giải phóng đã ra mắt trước sự hân hoan chào mừng của gần 1.000 quần chúng nhân dân tham dự mít tinh ở Bản Lác, xã An Lạc... Là người lớn tuổi nhất ở xóm Bản Lác 1, cụ Lý Văn Hoạt, sinh năm 1935 nhớ lại: Bản Lác ngày xưa rậm rạp lắm. Lúc ấy, đường sá đi lại rất khó khăn, cây cối mọc um tùm. Cả xóm chỉ có 3 hộ dân sinh sống, trong đó có gia đình tôi. Cũng vào khoảng thời gian này, Bản Lác cũng được mở 1 lớp học do thầy giáo Lý An Sinh phụ trách. Hôm đấy (ngày 18-4-1945), tại lớp học này, tôi thấy có rất nhiều người mặc quần the, áo lượt, khăn xếp với khuôn mặt ai ai cũng hồ hởi, phấn khởi về đây tụ họp. Cuộc họp diễn ra rất khẩn trương. Về sau, tôi mới biết đây là Hội nghị bầu ra chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện...

 

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, người dân xóm Bản Lác 1 đã và đang từng bước vươn lên làm kinh tế, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Xóm hiện có 54 hộ, 223 nhân khẩu, trong đó hơn 90% là dân tộc Tày với 15,9ha đất lúa, 9ha bãi - soi trồng cây màu và khoảng 7ha đất rừng. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa, cây ngô và trồng rừng. Những năm trở gần đây, thông qua các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi, người dân ở Bản Lác đã tích cực đưa nhiều loại giống lúa lai, lúa thuần, ngô lai chất lượng cao vào sản xuất, cụ thể như các giống lúa: Khang Dân HT1, HT6, HT9, Nhị ưu 838, Syn6... giống ngô lai: NK4.300, LVN4, LVN99, LVN61; ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất... Nhờ đó, năng suất cây trồng trên các khu đồng của xóm ngày một tăng cao. Nếu như năm 2010, năng suất lúa bình quân mới đạt khoảng 45 tạ/ha thì nay con số đó dã tăng lên 49 tạ/ha.

 

Không chỉ có vậy, nhiều hộ dân trong xóm còn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò, dê, gà, mở xưởng chế biến gỗ..., mỗi năm, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng, điển hình như hộ anh Ninh Xuân Hiệp. Anh Hiệp chia sẻ: Ban đầu chỉ với đồng vốn vài triệu đồng, tôi đã mạnh dạn mua dê giống về nuôi. Đến nay, khoảng gần chục năm, đàn dê của gia đình đã phát triển lên tới trên 80 con. Cùng với việc nuôi dê, vài năm trở lại đây, gia đình tiếp tục đầu tư mua thêm bò sinh sản. Hiện, gia đình đang nuôi 27 con. Ngoài ra, tôi còn tranh thủ trồng thêm khoai sọ ruột đỏ ở trên đồi. Tính trung bình mỗi năm, gia đình tôi có nguồn thu nhập khoảng 2-3 trăm triệu từ nuôi dê, bò và khoảng 30-40 triệu đồng từ trồng khoai sọ. Năm nay, vợ chồng tôi dự định trồng thêm cây bí nữa...

 

Nói về sự đổi thay của xóm, ông Hà Văn Lỵ, Trưởng xóm phấn khởi cho biết: Nếu như trước kia, đường làng ngõ xóm hẹp, lầy lội về mùa mưa, bụi bặm về mùa khô thì nay xóm đã có hơn 500m đường bê tông sạch, đẹp, nhiều đoạn khác đã được mở rộng khiến cho việc đi lại, vận chuyển nông sản được thuận lợi hơn. Nhiều ngôi nhà mới xây khang trang, kiên cố mọc lên ngày càng nhiều. Nhiều hộ đã sắm được những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền như: xe máy, tủ lạnh, tivi, bếp gas; 40/54 hộ trong xóm đã có máy cày mini... Xóm chỉ còn 7 hộ nghèo. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xóm mới đạt trên 8 triệu đồng thì đến nay là 12 triệu đồng/người/năm. Hằng năm, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa chiếm trên 85%. Xóm không có tai tệ nạn xã hội; nhiều năm liền không có cặp vợ chồng nào sinh con thứ 3 trở lên...