Cần sớm triển khai xây dựng cầu Bình Sơn

09:42, 28/11/2018

Qua nhiều năm sử dụng, cầu treo Bình Sơn đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2017, UBND T.P Sông Công đã có công văn yêu cầu UBND xã Bình Sơn thực hiện gắn biển báo cấm người và phương tiện lưu thông để đảm bảo an toàn. Theo đó, người dân phải đi qua ngầm tràn (đoạn qua Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi) để sang T.P Thái Nguyên và ngược lại. Tuy nhiên, vào mùa mưa, mực nước ngầm dâng cao kết hợp hồ Núi Cốc xả lũ, người dân không thể đi qua. Bà con luôn mong các cấp, chính quyền sớm xây dựng cầu Bình Sơn để việc đi lại được thuận tiện hơn.

Đến xã Bình Sơn tuy không phải vào mùa mưa nhưng chúng tôi được người dân nơi đây nói nhiều về cầu treo Bình Sơn. Ông Nguyễn Mạnh Đoan, xóm Trung tâm cho hay: Tôi thường xuyên đi làm bằng ô tô, qua T.P Thái Nguyên rồi sang huyện Đồng Hỷ. Vào mùa mưa, mỗi khi nước ngầm tràn dâng cao, tôi không thể đi qua đây, đành phải đi ra trung tâm T.P Sông Công rồi ngược lên T.P Thái Nguyên. Tính ra cũng xa hơn hơn 10km so với đi qua ngầm tràn. Tôi mong chính quyền các cấp quan tâm, xây dựng cho người dân xã Bình Sơn một cây cầu chắc chắn để chúng tôi không phải đi đường vòng mỗi khi mùa mưa lũ đến.

Còn bà Đào Thị San, ở xóm Lát Đá chia sẻ: Ngày nào gia đình tôi cũng đưa cháu sang T.P Thái Nguyên 4 lượt để cháu học ở Trung tâm dành cho trẻ em bị thiệt thòi. Mỗi khi ngầm tràn ngập, tôi phải đi đường vòng mất rất nhiều thời gian, có hôm còn muộn cả giờ học của cháu. Ông Nguyễn Văn Thịnh, người dân xóm Bến Đò, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) thông tin: Tôi thường hay đi qua ngầm tràn để đi làm ở xã Bình Sơn. Nếu ngầm bị ngập, tôi lại phải vòng lại và đi qua đường cầu treo Bình Định 3 để sang xã Bình Sơn, quãng đường xa hơn gần 10km lại rất khó đi vì đã xuống cấp.

Được biết, ngầm tràn xã Bình Sơn được xây dựng từ năm 1997, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân xã Bình Sơn (T.P Sông Công), Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) sang T.P Thái Nguyên và ngược lại. Do ngầm tràn bắc qua sông Công nên vào mùa mưa, nước sông dâng cao kết hợp hồ Núi Cốc xả lũ, mực nước ở ngầm tràn Bình Sơn có thể đạt từ 0,5-1m. Người và phương tiện không thể đi qua. Người dân xã Bình Sơn khi đó chỉ có thể đi ra T.P Sông Công để đi T.P Thái Nguyên hoặc đi qua cầu treo Bình Định (ở xóm Bình Định 3) để sang xã Thịnh Đức. Tuy nhiên, thiết kế của cầu treo Bình Định lại chỉ dành cho  xe đạp, xe máy, ô tô không thể đi qua.

Trước nhu cầu bức thiết của người dân, T.P Sông Công đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan liên quan sớm triển khai xây dựng mới cầu Bình Sơn. Theo đó, ngày 20/12/2016, UBND tỉnh đã có văn bản về việc giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng cầu dân sinh, yêu cầu địa phương có trách nhiệm vận động nhân dân hiến đất và tài sản trên đất để bàn giao mặt bằng xây dựng công trình cầu Bình Sơn. Đầu tháng 8-2018, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thái Nguyên đã phối hợp với UBND T.P Sông Công, UBND xã Bình Sơn và nhà thầu tiến hành khảo sát, bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây cầu. Tổng diện tích giải phóng mặt bằng là 346m2 (bao gồm cả đất công và đất thuộc quyền sở hữu của người dân).

Ông Nguyễn Hoài Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Sau khi tuyên truyền, vận động, 3 hộ dân đều đồng thuận hiến đất và tài sản, bàn giao mặt bằng để xây dựng cầu Bình Sún. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Dự án vẫn chưa được triển khai.

Người dân Bình Sơn mong có cây cầu mới, vững chắc thay thế cho cây cầu xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng. Bởi thế, các cấp, ngành cần xem xét, sớm triển khai xây dựng cây cầu mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.