Nhiều năm nay, cử tri Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận (Bắc Kạn, Cao Bằng và Tuyên Quang) luôn lo lắng về vấn đề triển khai thu phí tại trạm BOT Bờ Đậu (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Đồng thời, người dân mong muốn Chính phủ sớm tính toán chi phí để hoàn trả nhà đầu tư, dỡ bỏ công trình này, do đặt sai vị trí. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đã có văn bản đưa ra 4 phương án xử lý trạm BOT Bờ Đậu. Trong đó có nội dung đề nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trạm BOT Bờ Đậu được xây lên rồi bỏ không từ năm 2017 đến nay. |
Tại các buổi tiếp công dân ở địa phương và Trung ương, một số người dân hoạt động tự phát hoặc được cử tri ủy quyền đại diện đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ GTVT về việc dỡ bỏ trạm BOT Bờ Đậu.
Sau nhiều năm tồn tại vướng mắc, trên cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân cũng như đề xuất của các địa phương và nhà đầu tư, mới đây, Bộ GTVT đã đưa ra 4 phương án đề xuất hướng xử lý bất cập tại trạm BOT Bờ Đậu.
Cụ thể, phương án 1: Thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết, nhà đầu tư triển khai thu phí tại 2 trạm (tại Quốc lộ và trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới) để hoàn vốn. Trong đó, trạm đặt tại Quốc lộ 3 (BOT Bờ Đậu) triển khai theo phương án miễn, giảm phí đã thống nhất với tỉnh Thái Nguyên. Với phương án này, tính toán sơ bộ của Bộ GTVT cho thấy, thời gian thu phí tăng từ 25 năm 4 tháng lên khoảng 32 năm 4 tháng (do lùi thời gian bắt đầu thu phí tại trạm đặt tại Quốc lộ 3 từ tháng 7/2019 sang cuối năm 2022, theo dự kiến). Để bảo đảm thời gian hoàn vốn theo hợp đồng đã ký kết (khoảng 25 năm), nhà đầu tư đề nghị bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 800 tỷ đồng.
Nhà đầu tư mong muốn được triển khai phương án này vì tuy có sự thay đổi so với kế hoạch ban đầu nhưng nhìn thấy lợi nhuận. Ngược lại, người dân sẽ không chấp nhận nếu lấy ý kiến cộng đồng.
Phương án 2: Chỉ thu phí trên trạm Thái Nguyên - Chợ Mới, không thu phí trên Quốc lộ 3. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện dự án sẽ bàn giao Quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100 cho cơ quan Nhà nước quản lý, khai thác và bảo trì. Theo tính toán sơ bộ, để bảo đảm hiệu quả tài chính (với thời gian thu hồi vốn khoảng 25 năm 4 tháng như hợp đồng đã ký kết), Nhà nước cần hỗ trợ khoảng 3.050 tỷ đồng.
Phương án 3: Di dời trạm thu phí tại Quốc lộ 3 từ Km77+922 về đoạn Km 93-Km100 (trong phạm vi đầu tư nâng cấp, cải tạo). Kết quả đếm xe và tính toán phương án tài chính cho thấy, do lưu lượng xe qua đoạn Km 93-Km100 rất thấp nên phương án này không bảo đảm hiệu quả tài chính. Để bảo đảm thời gian hoàn vốn khoảng 25 năm 4 tháng theo hợp đồng đã ký, Nhà nước cần hỗ trợ khoảng 2.550 tỷ đồng.
Phương án cuối cùng là chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho doanh nghiệp thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về hợp đồng đối tác công - tư (PPP). Tính toán sơ bộ theo các quy định của hợp đồng dự án đã ký kết cho thấy, Nhà nước cần bố trí khoảng 3.250 tỷ đồng để thanh toán cho doanh nghiệp và chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn.
Liên quan đến phương án thứ 4, khi phóng viên trao đổi với người dân, cơ bản đều nhận được sự đồng tình. Tuy nhiên, người dân cũng đề nghị Nhà nước tiến hành rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quá trình đầu tư để tính đúng, tính đủ, tránh thất thoát ngân sách. Mặt khác, ý kiến người dân cho rằng, nhà đầu tư cũng chấp nhận được phương án về kinh tế.
Trong 4 phương án nêu trên, Bộ GTVT đều có tính đến lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, dù thực hiện theo phương án nào thì điều cần quan tâm hiện nay là phải đúng quy định của pháp luật và giữ được sự ổn định tình hình để phát triển kinh tế - xã hội.
Đây cũng là bài học đối với cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư, thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BOT), dự án đối tác công - tư (PPP), cần có sự dân chủ, tôn trọng quyền lợi của nhân dân. Cùng với đó là nhà đầu tư cũng cần cân nhắc thật kỹ vấn đề lợi nhuận thu về và cả những hệ lụy có thể gặp phải vì trong kinh doanh có lãi/lỗ...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin