Chuyển đổi số: Không để trước nhanh, sau chậm

Văn Hiến 09:33, 31/12/2022

Chuyển đổi số (CĐS) là việc khó nhưng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Nghị quyết để thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 và đạt được nhiều kết quả nổi bật. CĐS là “chìa khóa” để tỉnh xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện kinh tế số, xã hội số và công dân số. Do vậy, nhiệm vụ CĐS sẽ tiếp tục được tỉnh dành nhiều nguồn lực thực hiện trong những năm tới.

Các hội nghị lớn của tỉnh được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối với các điểm cầu cấp huyện, xã.

Khi thực hiện Chương trình CĐS, Thái Nguyên hướng tới mục tiêu căn bản là đổi mới toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.

Ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và lấy ngày 31-12 hàng năm là ngày chuyển đổi số của tỉnh.

Từ đó, phấn đấu đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm CĐS của khu vực trung du miền núi phía Bắc. Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS.

Mục tiêu đặt ra từ đầu nhiệm kỳ của tỉnh là phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính các cấp và đội ngũ cán bộ, công chức viên chức.

Các chỉ tiêu cụ thể, gồm: trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm thiết bị di động; trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 80% tổng hồ sơ công việc cấp huyện, trên 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống dùng chung; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; mở dữ liệu của các cơ quan Nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh đã được đưa vào vận hành, khai thác hiệu quả.

Đến hết năm 2022, cơ bản các chỉ tiêu này của tỉnh đã đạt hoặc vượt ở phần chủ động của cơ quan Nhà nước các cấp. Những kết quả bước đầu của công cuộc CĐS chứng minh tỉnh Thái Nguyên đã đi đúng hướng.

Để có được những kết quả này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chương trình CĐS, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện; xây dựng nhiệm vụ cụ thể đối với các nội dung phát triển xã hội số (8 nhiệm vụ); phát triển kinh tế số (11 nhiệm vụ); xây dựng chính quyền số (13 nhiệm vụ); xây dựng hạ tầng đô thị thông minh… UBND tỉnh cũng chỉ rõ các nhiệm vụ ưu tiên trong CĐS ở giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ở 8 lĩnh vực tiên phong, gồm: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, sản xuất công nghiệp và du lịch.

Xác định CĐS là xu hướng tất yếu nên tất cả các địa phương trong tỉnh, dù có điều kiện thuận lợi hay khó khăn, đều quyết tâm triển khai thực hiện nhiệm vụ này theo yêu cầu của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tuy có khó khăn bước đầu nhưng Thái Nguyên đặt quyết tâm cao, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhờ đó, kết quả CĐS của tỉnh đã tiến nhanh ngay trong 2 năm đầu thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-TU.

Khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: Khát vọng CĐS của Thái Nguyên chắc chắn sẽ tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhiệm vụ xây dựng chính quyền vững mạnh. Từ đó, chính quyền sẽ từng bước tạo được uy tín, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Với tinh thần đó, tôi tin chắc kết quả CĐS của tỉnh Thái Nguyên trong các năm cuối nhiệm kỳ sẽ có nhiều dấu ấn hơn nữa.

Tuy nhiên, CĐS không thể thành công nếu chỉ có sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền mà cần sự đồng lòng, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Vì khi tỉnh đã xây dựng được các dịch vụ công trực tuyến mà người dân, doanh nghiệp ít ứng dụng, tiếp nhận thì hiệu quả của CĐS chưa thể toàn diện.

Do vậy, mục tiêu năm 2023 và các năm tiếp theo của tỉnh Thái Nguyên là  yêu cầu 100% cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị phải sử dụng thành thạo, hiệu quả công nghệ thông tin để giải quyết công việc chuyên môn trên môi trường mạng, tiên phong sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Cao hơn nữa là vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hiểu được ý nghĩa và thực hành, ứng dụng CĐS trong mọi mặt của sống xã hội…

Đến hết năm 2022, Thái Nguyên đã hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh (chỉ tiêu là có trên 80%).