Thái Nguyên hiện đang triển khai nhiều dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nên nhu cầu đối với vật liệu san lấp rất lớn. Tuy nhiên, do số lượng mỏ đất san lấp được cấp phép hoạt động ít, nhiều địa phương chưa có mỏ, khiến chi phí vận chuyển lớn, giá vật liệu san lấp tăng cao, ảnh hưởng đến việc thi công dự án. Vì vậy, để đảm bảo nguồn vật liệu san lấp phục vụ dự án, các cơ quan liên quan đang khẩn trương hoàn thành thủ tục pháp lý để cấp phép khai thác.
Một khu vực được quy hoạch mỏ đất san lấp đã được phê duyệt tại thị trấn Quân Chu (Đại Từ). |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 mỏ đất san lấp được cấp phép hoạt động (tổng trữ lượng gần 14,6 triệu m3), với công suất khai thác khoảng 3 triệu m3/năm. Trong đó có 4 mỏ đã có giấy phép thuê đất, công suất khai thác 365m3/năm nhưng chưa đưa vào khai thác.
Mặc dù công suất khai thác các mỏ không nhỏ, nhưng đối với một tỉnh có sự phát triển nhanh và mạnh như Thái Nguyên, với hàng trăm dự án xây lắp, khối lượng đất san lấp cần dùng lớn hơn rất nhiều. Cụ thể: Dự án xây dựng Tuyến đường liên kết vùng Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc còn thiếu 600 nghìn m3 đất san lấp; Dự án Khu tái định cư Huống Thượng (TP. Thái Nguyên) thiếu khoảng 100 nghìn m3; Dự án Khu đô thị, khu dân cư Quyết Thắng - Thịnh Đán thiếu khoảng 200 nghìn m3; Dự án xây dựng Cụm công nghiệp Xuân Phương (Phú Bình) cần hơn 1 triệu m3…
Ngoài ra, ở các địa phương: Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai, do không có mỏ đất nên nhiều dự án phải tạm dừng thi công vì chi phí vận chuyển quá cao. Vì vậy, việc thực hiện công tác quy hoạch, cấp phép thêm các mỏ, điểm mỏ để phục vụ nhu cầu đất san lấp là nhiệm vụ rất quan trọng đối với tỉnh Thái Nguyên.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/3/2023, Thái Nguyên được phê duyệt 32 điểm mỏ làm vật liệu san lấp, với tổng diện tích hơn 480ha. Các điểm mỏ này là những khu vực chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng. Vì vậy, sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp sẽ tiến hành thăm dò, đánh giá trữ lượng để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Các mỏ, điểm mỏ vừa được phê duyệt quy hoạch lần này phân bố ở nhiều huyện, thành phố mà trước đây chưa có. Qua đó đáp ứng nhu cầu của các vùng, giảm thiểu chi phí vận chuyển. Cụ thể: Võ Nhai có 3 khu vực; Định Hóa 3 khu vực; Phú Lương 4 khu vực; TP. Thái Nguyên 1 khu vực… |
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành rà soát các điểm mỏ đủ điều kiện để đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản và trình UBND tỉnh, cơ quan có thẩm quyền xin chủ trương đấu giá mỏ. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện quy định đấu giá quyền khai thác mỏ sẽ xóa bỏ được cơ chế xin, cho trước đây, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp. Đặc biệt, tăng nguồn thu cho ngân sách từ 10-20%.
"Hiện nay, việc cấp phép khai thác mỏ vật liệu san lấp giống như cấp mỏ khoáng sản kim loại quý nên mất rất nhiều thời gian…" Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường |
Mặc dù cơ quan chức năng của tỉnh hiện đang nỗ lực thực hiện các thủ tục pháp lý để tiến hành đấu giá các mỏ, điểm mỏ nhưng việc cấp quyền khai thác mất rất nhiều thời gian vì phải qua nhiều thủ tục hành chính liên quan.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của đại diện một số doanh nghiệp, hiện nay, việc giải phóng mặt bằng đối với các mỏ khoáng sản (thuộc UBND tỉnh cấp phép) gặp nhiều khó khăn, vì đây là trường hợp thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân về bồi thường. Do đó, nhiều trường hợp sau khi đấu giá, nộp tiền khai thác khoáng sản, nhưng doanh nghiệp không giải phóng được mặt bằng.
Mặt khác, giá trị của đất san lấp thấp, thời hạn khai thác khá ngắn nên chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư. Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Cường Đại (chủ Mỏ đất núi Đậu, ở TP. Phổ Yên) chia sẻ: Khi doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân trong việc đền bù, người dân thường đưa ra mức giá cao gấp 2-3 lần so với thực tế, nên có những chỗ không khả thi.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, việc cấp phép các mỏ đất san lấp phải căn cứ vào các quy định của pháp luật và trình tự thủ tục liên quan, vì đất san lấp là khoáng sản.
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, không chỉ Thái Nguyên mà nhiều địa phương khác cũng đã có kiến nghị đưa các mỏ khoáng sản vào danh mục dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tới đây, nếu được Quốc hội thông qua về vấn đề này, các địa phương sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác mỏ vật liệu san lấp.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin