Thái Nguyên tăng tốc triển khai nền tảng địa chỉ số

Thu Hà - Ngọc Tuất 11:32, 04/07/2023

Là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai thực hiện nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số, đến nay, Thái Nguyên đã hoàn thành việc triển khai nhiệm vụ này. Đây là một trong những bước tiến quan trọng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh.

Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện cập nhật và thông báo địa chỉ số tại thị trấn Đu (Phú Lương).

Xã nông thôn mới kiểu mẫu Tức Tranh (Phú Lương) là đơn vị đầu tiên của tỉnh được lựa chọn làm điểm triển khai gắn mã địa chỉ số cho chủ thể gắn liền với đất, như hộ dân, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình xây dựng, di tích.

Xác định đây là bước quan trọng hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh, huyện Phú Lương đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, thời gian cụ thể trong từng bước thực hiện. Trong đó, địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về lợi ích của việc gắn mã địa chỉ số trên bản đồ đối với các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.

Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Lương, cho biết: Để xây dựng thành công mô hình thí điểm tại xã Tức Tranh, địa phương đã phối hợp với Bưu điện tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan và tổ công nghệ số cộng đồng về việc thu thập, cập nhật, bổ sung dữ liệu thông tin địa chỉ số cho các đối tượng được gắn địa chỉ số trên địa bàn. Huyện cũng phối hợp chặt chẽ với Sở thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh tiến hành hiệu chỉnh dữ liệu và ứng dụng địa chỉ số, nhằm khắc phục một số tồn tại trong quá trình cập nhật dữ liệu. 

Kết quả sau 2 tháng triển khai (tháng 2 và 3/2023), xã Tức Tranh đã hoàn thành việc rà soát, thống kê các ngôi nhà; cập nhật thông tin (gồm tên, số điện thoại di động, e-mail) của chủ sở hữu địa chỉ số nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình của tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Trên cơ sở thành công của việc triển khai thí điểm nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số tại xã Tức Tranh, cuối tháng 4 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì bàn giao dữ liệu địa chỉ số giữa 3 bên: Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thành phố và Bưu điện tỉnh.

Sau khi bàn giao, tiếp nhận dữ liệu địa chỉ số, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố phối hợp với Bưu điện tỉnh rà soát, cập nhật đầy đủ thông tin, đảm bảo thực hiện thông báo được đến chủ địa chỉ.

Đại diện Bưu điện huyện Võ Nhai và phòng Văn hóa Thông tin huyện Võ Nhai hướng dẫn thực hiện rà soát thông tin cho các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn xã Sảng Mộc.
Đại diện Bưu điện và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Võ Nhai hướng dẫn thực hiện rà soát thông tin cho các tổ công nghệ số cộng đồng ở xã Sảng Mộc.

Là huyện vùng cao với nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, nhưng đến thời điểm này, Võ Nhai đã cơ bản hoàn thành việc cập nhật địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số. Theo bàn giao của Bưu điện tỉnh, Võ Nhai cần cập nhật 17.254 địa chỉ số. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực tế, huyện đã cập nhật được 24.865 địa chỉ số.

Bà Hoàng Thị Dậu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Võ Nhai, cho biết: Thực tế chúng tôi đã cập nhật và yêu cầu cấp nhiều địa chỉ số mới phát sinh không có trên hệ thống. Các địa chỉ này chủ yếu ở vùng xa, hệ thống mạng viễn thông kém, giao thông đi lại khó khăn. Để cập nhật thông tin chính xác, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ công nghệ số cộng đồng lựa chọn những cá nhân sử dụng thành thạo điện thoại thông minh để tham gia lớp tập huấn do Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh tổ chức. Các tổ công nghệ số cộng đồng đến từng hộ dân để thu thập thông tin, tuyên truyền về lợi ích và hướng dẫn cách sử dụng nền tảng địa chỉ số cho các chủ hộ.

Từ những kết quả ban đầu, trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, tất cả các địa phương trong toàn tỉnh đã tích cực triển khai cập nhật địa chỉ số.

Theo ông Trần Ngọc Dĩnh, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông): Trong quá trình phát triển nền tảng địa chỉ số trên địa bàn tỉnh có một số khó khăn, như cơ sở dữ liệu địa chỉ số do Bưu điện tỉnh bàn giao còn thiếu so với tổng số các đối tượng được quy định gắn mã; nhiều địa chỉ số không chính xác, sai lệch tọa độ. Cùng với đó, ứng dụng địa chỉ số mới được xây dựng nên hoạt động chưa ổn định, phải tiến hành nâng cấp, cập nhật nhiều lần để đáp ứng yêu cầu thực tế tại các địa phương. Tuy nhiên, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực phối hợp với Bưu điện tỉnh và các địa phương khắc phục khó khăn để hoàn chỉnh dữ liệu địa chỉ số.

Sau 2 tháng triển khai thực hiện tích cực, đến nay, toàn tỉnh đã cập nhật và thông báo được 357.023 địa chỉ số là hộ gia đình và trụ sở cơ quan, tổ chức, trong đó có 305.619/336.411 địa chỉ hộ gia đình, đạt tỷ lệ 91% cho đối tượng là các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Thái Nguyên đã cập nhật thêm được trên 27.000 địa chỉ mới so với dữ liệu do Bưu điện tỉnh bàn giao và yêu cầu chỉnh sửa trên 1.200 địa chỉ không chính xác, sai lệch tọa độ…

Địa chỉ số là tập hợp thông tin để xác định vị trí, tọa độ gắn liền với đất là nhà ở, trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Khác với địa chỉ truyền thống, địa chỉ số có nhiều lợi ích như: Dễ sử dụng, hỗ trợ định danh điện tử, đơn giản hóa việc lưu giữ địa chỉ, giúp dễ dàng tìm kiếm đường đi và chia sẻ địa chỉ, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển phát, logistic, thương mại điện tử và phục vụ các hoạt động ứng cứu khẩn cấp, hỗ trợ nhân đạo...