“Tín dụng đen” lâu nay vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Gần đây, khi lực lượng chức năng siết chặt hơn công tác quản lý, “tín dụng đen” lại có nhiều biến tướng tinh vi, lợi dụng công nghệ cao để hoạt động. Thực tế trên đòi hỏi công tác quản lý từ Trung ương đến địa phương phải quyết liệt, bài bản hơn mới có thể ngăn chặn vấn nạn này.
Các phương thức, thủ đoạn mới mà hoạt động “tín dụng đen” áp dụng gần đây gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý của lực lượng chức năng. Các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội, công nghệ thông tin và núp bóng doanh nghiệp để thực hiện hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật, gây bức xúc dư luận.
Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận người dân vì nhiều nguyên nhân khác nhau có nhu cầu vay vốn mà vướng vào bẫy “tín dụng đen”. Một phần do áp lực tài chính, một phần do vay tại các cá nhân ngoài ngân hàng không cần thế chấp tài sản, mà giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản. Người dân thiếu thông tin, thiếu hiểu biết sẽ dễ mắc bẫy và hậu quả là chịu lãi suất “cắt cổ” hoặc nợ nần kéo dài không có khả năng hoàn trả.
Tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”. Mới đây, tỉnh Thái Nguyên cũng đã quyết liệt chỉ đạo siết chặt quản lý hoạt động này.
Theo đó, tỉnh yêu cầu cơ quan công an phải tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến “tín dụng đen” để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Đồng thời phải mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”.
Do các đối tượng thường lợi dụng công nghệ cao để hoạt động, nên ngành Thông tin và Truyền thông của tỉnh là đầu mối quản lý, siết chặt các hoạt động “tín dụng đen” trên môi trường mạng. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh, quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến “tín dụng đen”. Phối hợp sử dụng dữ liệu dân cư để xác định các thuê bao Internet, thuê bao di động, hạn chế tối đa, tiến tới loại bỏ triệt để SIM rác để không còn đất cho “tín dụng đen” hoạt động.
Do đối tượng chính của “tín dụng đen” thường là người lao động, nhất là lao động có hoàn cảnh khó khăn, nên tổ chức công đoàn các cấp của tỉnh cũng cần nắm chắc tình hình diễn biến của hình thức lừa đảo trên để tuyên truyền, cảnh báo người lao động.
Cần thiết phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, thấu hiểu hoàn cảnh của người lao động, từ đó hỗ trợ họ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, an toàn. Đặc biệt là phải phối hợp với địa phương đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời phản ánh kiến nghị của người lao động với cơ quan chức năng liên quan đến “tín dụng đen”.
Hoạt động “tín dụng đen” là hình thức cho vay bất hợp pháp, nên hệ thống ngân hàng của Nhà nước cần phải tăng cường hoàn thiện các cơ chế, chính sách tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng ưu việt để người dân dễ dàng tiếp cận, không phải tìm đến đối tượng cho vay nặng lãi.
Thủ tục vay vốn của ngân hàng cần nhanh gọn, thuận tiện hơn, đáp ứng nhu cầu vay chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân. Mặt khác, tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thái Nguyên phối hợp với Công an tỉnh để sử dụng dữ liệu dân cư phục vụ rà soát, xác thực tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản “ảo” để hoạt động “tín dụng đen”.
Với chức năng của mình, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Thái Nguyên tăng cường kiểm tra các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán các ví điện tử, công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm và đẩy mạnh giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân khách hàng.
Ở Thái Nguyên đã từng xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là các trường hợp bị mắc nợ khó dứt ra khi tham gia các app điện tử cho vay tài chính. Nhiều trường hợp tan cửa, nát nhà vì “tín dụng đen”. Bởi vậy, người dân cần tỉnh táo, tinh tường để không sa vào bẫy của các đối tượng cho vay nặng lãi...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin