Đảng bộ xã Bình Sơn (T.P Sông Công) có hơn 400 đảng viên sinh hoạt ở 30 chi bộ. Với xuất phát điểm là xã thuần nông, đời sống của người dân còn khó khăn, những năm qua, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế, trong đó chú trọng phát huy vai trò gương mẫu của các đảng viên.
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, hàng năm, Đảng ủy xã Bình Sơn đều ban hành nghị quyết về lĩnh vực này, trong đó đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Vì đời sống người dân chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp nên xã chú trọng xây dựng phương án sản xuất nông, lâm nghiệp bảo đảm đạt hiệu quả cao; khuyến khích bà con nông dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, đẩy mạnh thâm canh, kịp thời phòng, chống sâu hại, dịch bệnh cho các loại cây trồng, vật nuôi.
Năm 2020, tổng sản lượng lương thực của xã đạt gần 4.677 tấn; năm 2021, phấn đấu đạt 4.800 tấn. Bên cạnh đó, Bình Sơn đẩy mạnh phát triển cây chè. Hiện nay, xã có 281ha chè, sản lượng đạt 412 tấn chè búp khô/năm. Năm nay, xã phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố khảo sát triển khai mô hình sản xuất chè hữu cơ với diện tích 3ha tại xóm Khe Lim; tiếp tục duy trì và phát triển 5 làng nghề chè truyền thống là Bình Định 1, Bình Định 2, Bình Định 3, Tiền Tiến và Khe Lim. Cùng với đó, bà con nhân dân trong xã đẩy mạnh chăn nuôi, hiện nay, đàn gia súc có tổng số trên 6.370 con, gia cầm 270.000 con…
Bám sát nội dung nghị quyết về phát triển kinh tế hàng năm của Đảng ủy xã, các chi bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu. Bà Đặng Thị Hoa, sinh năm 1966, đảng viên Chi bộ Long Vân là một trong những tấm gương điển hình. Từ nguồn vốn vay 500 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT mấy năm trước, gia đình bà đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gia cầm và trồng trọt trên diện tích hơn 1ha. Năm 2020, tổng doanh thu của gia đình đạt khoảng 5 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn thực phẩm gồm các loại thịt, rau, củ, quả của gia đình chủ yếu cung cấp cho bếp ăn của Công ty TNHH Suny Opotech (Khu công nghiệp Yên Bình, T.X Phổ Yên) và Trường Tiểu học Bình Sơn (T.P Sông Công). Gia đình bà trở thành một trong nhiều hộ làm kinh tế giỏi ở xã Bình Sơn…
Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận với các nguồn vốn phát triển kinh tế. Tổng dư nợ đến thời điểm này tại 2 ngân hàng: Chính sách xã hội; Nông nghiệp và PTNT là 53 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được các hộ dân sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy xã về phát triển kinh tế đã tạo điều kiện, động viên nhân dân tích cực vươn lên, nâng cao thu nhập. Tính đến nay, thu nhập bình quân ở xã đạt 39 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm còn 64 hộ, chiếm 2,73% (tổng số hộ của xã là trên 2.300).
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoài Phương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Hướng phát triển kinh tế của Bình Sơn trong thời gian tới là tập trung cho sản xuất chè - loại cây trồng mũi nhọn; đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn như dổi, lát; duy trì và phát triển kinh tế tập thể (HTX May Bình Minh, HTX Du lịch hồ Ghềnh Chè, HTX Chè Cao Sơn); bám sát vào chương trình, kế hoạch của thành phố để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo chuỗi liên kết phát triển bền vững gắn với Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh sản xuất nông nghệp, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; phát triển các mô hình sản xuất theo hướng liên kết, quan tâm sản xuất chè hữu cơ theo hướng VietGAP. Xã tăng cường vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bảo đảm an toàn dịch bệnh, có kế hoạch tái đàn hợp lý; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình OCOP...