Việc xử lý những vi phạm về đất đai vẫn luôn là vấn đề khó và có phần nhạy cảm. Chính vì thế, huyện Đại Từ luôn chú trọng công tác quản lý, sử dụng đất, nghiêm túc xử lý những vi phạm ngay từ khi mới phát hiện, không để vi phạm kéo dài, tạo thành điểm nóng khó giải quyết…
Đại Từ là huyện có địa bàn rộng với diện tích tự nhiên khoảng 57.000ha, trong đó có trên 48.000ha đất nông nghiệp, trên 8.400ha đất phi nông nghiệp, cùng với trên 82ha đất chưa sử dụng.
Là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, thời gian gần đây, quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh nên nhu cầu chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn ngày càng nhiều. Thêm vào đó, nhiều dự án đã và đang được triển khai, công tác giải phóng mặt bằng cũng làm phát sinh nhiều kiến nghị của người dân liên quan đến đất đai.
Để quản lý việc giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo đúng quy định, huyện tăng cường tuyên truyền Luật Đất đai; công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân nắm được.
Cùng với tuyên truyền, huyện cũng đã chỉ đạo các phòng, ban, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát tình hình sử dụng đất tại các địa phương. Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Những vi phạm về đất đai nếu để kéo dài thì sẽ rất khó giải quyết, nhất là đối với các công trình xây dựng trái phép, không phát hiện sớm để xử lý ngay từ đầu mà để xây xong mới giải quyết thì sẽ rất phức tạp. Vì vậy, huyện yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, nắm chắc tình hình tại các địa phương, nếu để xảy ra những vi phạm về đất đai ở địa phương nào, trước tiên lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Từ đó, các địa phương đã tích cực phối hợp với phòng chức năng của huyện thường xuyên rà soát, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm về chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích, buộc người vi phạm khôi phục hiện trạng.
Trường hợp bà Vũ Thị Thủy, thường trú tại xóm Đồng Sầm, xã An Khánh, là một ví dụ. Đầu năm 2021, gia đình bà Thủy xây dựng nhà ở trên đất rừng sản xuất mà gia đình được giao, làm mất hiện trạng ban đầu của thửa đất số 139, tờ bản đồ địa chính lâm nghiệp số 3, xóm Gốc Mít, xã Tân Thái. Qua kiểm tra, địa phương đã lập biên bản, yêu cầu gia đình bà Thuỷ dừng thi công, khôi phục lại hiện trạng. Đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của bà Thủy. Tuy nhiên, gia đình bà Thuỷ không chấp hành. Vì vậy, tháng 7-2021, UBND huyện đã ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình xây dựng nói trên.
Trong 3 tháng đầu năm nay, UBND huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với 19 trường hợp, tổng số tiền phạt trên 161 triệu đồng, chủ yếu là các lỗi: Lấn chiếm đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, phần lớn là chuyển từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp để xây dựng nhà ở, lán trại...
Đặc biệt, thời gian gần đây, trên địa bàn huyện có nhiều dự án được triển khai, như: Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư nông thôn số 1 xã Tiên Hội, thuộc quy hoạch chi tiết dân cư nông thôn Nam sông Công… Nhằm ngăn chặn và xử lý các vi phạm về đất đai trong quá trình giải phóng mặt bằng, ngoài việc thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo quản lý quy hoạch và thực hiện các dự án trên địa bàn các xã trong vùng dự án.
Ngoài ra, huyện cũng thành lập tổ công tác rà soát, xác minh, hướng dẫn xử lý các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đất đai tại các xã. Quá trình giải phóng mặt bằng, một số hộ dân không chấp hành, huyện đã cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc theo quy định. Bên cạnh đó, một số hộ dân có hành vi xây dựng trái phép đón đền bù cũng đã bị xử lý nghiêm.