Đầu tư phát triển chợ theo hướng hiện đại

01:27, 09/06/2022

Với mục tiêu phát triển hệ thống chợ theo hướng hiện đại, thời gian qua, huyện Đại Từ đã, đang thực hiện chuyển đổi mô hình một số chợ trên địa bàn. Dẫu số lượng chuyển đổi chưa nhiều, song các chợ sau chuyển đổi bước đầu đã chứng minh được hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đại Từ có tổng số 25 chợ, trong đó 24 chợ hạng III. Tổng số hộ kinh doanh thường xuyên tại các chợ khoảng 1.300 hộ, diện tích sử dụng đất chợ trên địa bàn huyện trên 90.000m2. Phần lớn các chợ được xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước, được UBND xã giao cho các ban quản lý chợ xã quản lý. Qua nhiều năm đưa vào sử dụng, đến nay, đa phần các chợ đều đã xuống cấp. Thêm vào đó, các chợ hoạt động dưới hình thức ban quản lý còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng.

Chợ La Bằng (xã La Bằng) trước đây chỉ rộng khoảng 3.000m2 với phần lớn là lều tranh tạm bợ, nền đất. Chợ có vai trò là trung tâm giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa của xã La Bằng và 1 số xã lân cận nên quy mô, cách sắp xếp ban đầu của khu chợ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Chợ được xây dựng từ năm 1999 nên không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế, thương mại của địa phương.

Nhưng nay thì khác, ngay trên nền chợ cũ, sau khi chuyển đổi, chợ La Bằng được xây dựng mới và đưa vào hoạt động từ năm 2020, mở rộng lên gần 4.500m2, kết nối giao thông liên xã rộng rãi, thuận lợi cho các tiểu thương và khách đến chợ mua bán, trao đổi hàng hóa. Mới chính thức đi vào hoạt động hơn 1 năm, chợ đã có hơn 150 tiểu thương buôn bán cố định, đó là chưa kể đến khu vực bán chè có hàng trăm tiểu thương buôn bán thường xuyên.

Các khu vực kinh doanh được sắp xếp hợp lý có diện tích dao động từ 400-600m2, như: Khu hàng thịt tươi sống; hàng thực phẩm chế biến; khu bán rau, củ, quả; khu bán bánh kẹo, đồ khô các loại; khu kinh doanh chè… Ngoài ra, chợ còn có bãi để xe với tổng diện tích khoảng 1.000m2.

Kinh doanh quần áo từ khi còn ở chợ cũ, chị Trần Thị Hoa, một tiểu thương ở chợ La Bằng chia sẻ: Chợ cũ hình thành từ lâu nên điều kiện không đảm bảo, mưa thì dột, mùa hè thì nóng bức. Mặc dù mức phí ở chợ mới cao hơn (1,5 triệu đồng/tháng) nhưng với diện tích khoảng 15m2, nền láng xi măng sạch sẽ, chúng tôi có không gian trưng bày hàng hóa đẹp mắt, hấp dẫn người mua hơn.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Chợ nông thôn, cho biết: Từng là Trưởng Ban Quản lý chợ La Bằng cũ từ năm 2000, do vậy, tôi nắm rất rõ lịch sử hoạt động của chợ cũ và những đổi mới của mô hình hiện tại. Nếu như mức nộp ngân sách Nhà nước của chợ cũ bình quân là 30 triệu đồng/năm thì chợ mới hiện nộp ngân sách Nhà nước 80 triệu đồng/năm. Bộ máy quản lý của chợ mới cũng gọn nhẹ hơn rất nhiều, giảm một nửa so với chợ cũ nhưng hiệu quả hoạt động không thua kém. Với mô hình hiện tại, chúng tôi có thể chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư vào chợ và cải tạo khi cần. Tình hình an ninh trật tự trong chợ cũng được đảm bảo khi mỗi tiểu thương đều có chỗ ngồi ổn định theo từng lĩnh vực kinh doanh, không còn tình trạng cãi vã, tranh chỗ ngồi như trước. Ngoài ra, chúng tôi còn lắp đặt 12 camera giám sát tại chợ để kiểm soát an ninh. Tổng giá trị tài sản mà Công ty đầu tư vào chợ là khoảng 2,4 tỷ đồng.

Cùng với chợ La Bằng, đầu năm nay, chợ Phú Cường (xã Phú Cường) cũng đã thực hiện xong thủ tục đấu thầu, bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai với giá trúng thầu trên 1,2 tỷ đồng. Hiện nay, đơn vị thi công đang thực hiện cuốn chiếu các hạng mục, song song hoạt động đầu tư xây dựng với kinh doanh của các tiểu thương. Dự kiến, đầu tháng 7 tới, chợ sẽ đi vào hoạt động theo hình thức mới, tạo diện mạo khang trang, văn minh, đồng bộ.

Bà Lê Hồng Hạnh, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện thông tin: Hiệu quả dễ nhận thấy nhất trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ đó là tăng thu ngân sách cho địa phương từ tiền thuê đất, phí dịch vụ chợ. Thêm vào đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp khai thác, quản lý chợ còn nhằm huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp và cải tạo chợ. Đây là điều mà các mô hình chợ cũ rất khó khăn thực hiện, dẫn đến tình trạng xuống cấp tại các chợ sau một thời gian hoạt động.

Năm 2022, huyện phấn đấu chuyển đổi 6 chợ tại các xã: Yên Lãng, Phú Xuyên, Vạn Thọ, Ký Phú, Quân Chu và thị trấn Quân Chu. Từ những mô hình hoạt động hiệu quả ban đầu, theo nắm bắt của chúng tôi, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đang quan tâm tìm hiểu để đầu tư vào lĩnh vực này. Hoạt động thương mại phát triển sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, từng bước nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.