Định Hóa hỗ trợ các hợp tác xã bắt nhịp kinh tế số

09:12, 22/03/2022

Trong thời đại 4.0, kinh tế số đang dần chiếm ưu thế và ngày càng quan trọng trong. Để giúp các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn nắm bắt thời cơ, theo kịp thời đại số, huyện Định Hóa đã có nhiều hỗ trợ.

HTX Đồng Tiến, xã Bộc Nhiêu được thành lập năm 2019, hoạt động chủ yếu là chăn nuôi và sản xuất, tiêu thụ chè. Để có thị trường tiêu thụ ổn định, HTX liên kết cung cấp sản phầm trà cho một số siêu thị lớn tại Hà Nội, đồng thời quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên mạng xã hội. Hằng năm, sản lượng chè búp khô của HTX tiêu thụ đạt khoảng 27 tấn, cùng một số sản phẩm thịt lợn, thủy sản… doanh thu đạt khoảng 2,5 tỷ đồng/năm. Để kịp thời hỗ trợ phát triển sản phẩm, năm 2021, UBND huyện đã hỗ trợ thiết kế bao bì nhãn mác, logo cho sản phẩm Long An trà của HTX Đồng Tiến. Dự kiến trong năm 2022, HTX sẽ đưa sản phẩm này dự thi OCOP cấp tỉnh.

Ông Lưu Viết Long, Phó Giám đốc HTX Đồng Tiến cho biết: “HTX đang quảng bá và bán sản phẩm qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… Thời gian tới, chúng tôi sẽ chuyển đổi dần công nghệ chế biến các sản phẩm chè để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 30 HTX đang hoạt động, trong đó có 4 HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Để kịp thời hỗ trợ các HTX bắt kịp nền kinh tế số, trong năm 2021, huyện đã hỗ trợ lập 3 website cho 3 HTX; thiết kế logo, nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch, in ấn nhãn mác, mua bao bì cho 9 sản phẩm của 7 HTX và 2 hộ kinh doanh cá thể; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, VietGAP cho 3 HTX.

Bước vào năm 2022, huyện tiếp tục tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng nhân lực của các HTX nông nghiệp; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh…

Ông Nguyễn Duy Dân, Giám đốc HTX Yên Hòa cho biết “Thời gian qua, HTX đã được UBND huyện hỗ trợ nhiều trong khâu quảng bá, giới thiệu các sản phẩm. Trong đó, HTX đã được hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem, mã vạch, logo, xây dựng website giới thiệu và bán sản phẩm. Thời gian tới, HTX tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến các sản phẩm, đồng thời gắn với quảng bá sản phẩm trên không gian mạng.”

Cùng với việc hỗ trợ kỹ thuật cho các HTX, huyện Định Hóa còn đưa vào hoạt động điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP từ cuối năm 2021. Tại đây đã trưng bày giới thiệu 34 sản phẩm của 16 HTX và các hộ sản xuất kinh doanh cá thể.

Ông Phùng Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết thêm: “Chúng tôi đã tư vấn cho các chủ thể về sản xuất, bảo quản và chế biến, nhằm từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm của các HTX. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lựa chọn các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh để đề xuất với huyện và tỉnh xây dựng thương hiệu. Đồng thời hỗ trợ, kết nối đưa các sản phẩm đó lên sàn thương mại điện tử của tỉnh.”

Trong thời gian tới, huyện Định Hóa sẽ tiếp tục tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho các HTX. Đồng thời triển khai hỗ trợ các HTX ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo chuỗi; đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử của tỉnh, website OCOP… để giúp các HTX bắt nhịp với kinh tế số, phát triển sản xuất, kinh doanh.