Việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, tại huyện Đồng Hỷ, số lượng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết thông qua dịch vụ này hiện đạt khá thấp…
Sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 nghĩa là người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC với cơ quan nhà nước bất cứ thời điểm nào trong ngày, ở địa điểm có kết nối mạng Internet.
Người nộp hồ sơ còn được cung cấp kịp thời, chính xác thông tin về trạng thái xử lý hồ sơ giải quyết TTHC đầy đủ, chi tiết. Đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, người dân, doanh nghiệp có thể nộp phí, lệ phí thông qua thanh toán điện tử trên môi trường mạng, nhận kết quả tại nhà nếu có nhu cầu mà không cần phải đến các cơ quan nhà nước hay bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC các cấp.
Với huyện Đồng Hỷ, địa phương này hiện cung cấp 273 TTHC đang có hiệu lực thi hành được niêm yết công khai và tổ chức thực hiện, trong đó có 217 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 12 dịch vụ công mức độ 3; số TTHC thực hiện ở cấp xã là 112 TTHC, trong đó có 44 TTHC cung cấp dịch vụ công mức độ 4.
Mặc dù các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đem lại nhiều tiện ích như vậy nhưng tỷ lệ về phát sinh dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện còn thấp. Mức độ tương tác của người dân với hình thức giải quyết TTHC hiện đại, văn minh này chưa cao.
Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2022, huyện Đồng Hỷ đã tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên 15.500 hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ quy định nhận trực tuyến mức độ 4 là 1.273 hồ sơ.
Tuy nhiên, trong tổng số hồ sơ quy định nhận trực tuyến mức độ 4 thì chỉ có 34 hồ sơ là thực hiện tiếp nhận qua mạng (đạt 2,67%), còn lại là nhận trực tiếp. Tại Hội nghị bàn giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của huyện mới đây, đồng chí Vũ Quang Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ nhìn nhận thẳng thắn: Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhằm thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về hiệu quả, tiện ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa thường xuyên, liên tục. Mặc dù huyện đã thành lập 143 tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân chuyển đổi số với 801 thành viên (từ ngày 20-5-2022) nhưng đến nay, các tổ công nghệ này chỉ thành lập “trên giấy” và hầu hết chưa thực hiện nhiệm vụ.
Thêm nữa, nhiều người dân chưa có thói quen, thiếu kỹ năng sử dụng các thiết bị điện tử, máy móc trong việc tạo lập tài khoản, thực hiện nộp hồ sơ giải quyết TTHC trên môi trường mạng, nhất là người dân ở vùng cao, vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Ngoài ra, nhiều cá nhân muốn trực tiếp đến bộ phận một cửa nộp hồ sơ cũng như nhận kết quả giải quyết TTHC. Đây cũng là khó khăn, thách thức đặt ra đối với địa phương trong việc hướng đến xây dựng chính quyền điện tử.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, UBND huyện Đồng Hỷ đã giao chỉ tiêu về tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến phát sinh trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đối với các phòng, ban trực thuộc.
Theo đó, trong năm nay, các phòng, ban của huyện cần đưa tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt từ 55% trở lên. Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ và nhân dân hiểu về lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tăng cường trách nhiệm của các phòng, ban chuyên môn; bổ sung thiết bị thiết yếu cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, công chức thực hiện các TTHC mức độ 3, 4…