Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao là những giải pháp đã và đang được xã Cây Thị (Đồng Hỷ) triển khai giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống…
Thăm mô hình trồng tre lục trúc lấy măng của gia đình anh Lâm Xuân Quang, xóm Cây Thị, chúng tôi được anh chia sẻ: Năm 2017, qua tìm hiểu thông tin về mô hình trồng tre lấy măng có hiệu quả kinh tế cao, tôi đã mạnh dạn trồng tre lục trúc thử nghiệm 300 gốc trên diện tích đồi 1,8ha. Thời gian đầu do tôi chưa có kinh nghiệm nên toàn bộ cây giống đều bị chết. Sau 2 lần thử nghiệm thất bại, đến lần thứ ba, tôi mới thành công, thu hái những lứa măng đầu tiên. Từ đó, gia đình tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình trồng tre lục trúc lấy măng. Đến nay, gia đình tôi có khoảng 700-800 khóm tre lục trúc trên diện tích 4ha. Mỗi héc ta tre lục trúc cho sản lượng trung bình từ 15-17 tấn măng.
Măng lục trúc có vị giòn, ngọt mát, có thể chế biến thành nhiều món ăn như nộm, luộc, xào hay lẩu, nước luộc măng ngọt thanh, không đắng, không he như các loại măng khác...
Theo anh Quang, chỉ tính riêng năm 2021, gia đình anh có thu nhập gần 1 tỷ đồng từ 4ha măng lục trúc. Tháng 3-2022 vừa qua, anh Quang thành lập HTX nông sản Vạn Lộc với tổng diện tích trồng măng của các thành viên lên tới 7ha. HTX thu mua và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con trên địa bàn và một số địa phương lân cận.
Cũng khai thác thế mạnh kinh tế đồi rừng, ông Triệu Phúc Phượng ở xóm Khe Cạn lại thành công với mô hình trồng rừng gỗ lớn. Trước đây, toàn bộ 15ha rừng của gia đình đều trồng keo, khai thác gỗ nhỏ cho giá trị thấp. Từ năm 2019, gia đình ông chuyển 10ha sang trồng dổi xanh và chò chỉ.
“Ban đầu hoài nghi về hiệu quả kinh tế song được cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi đã mạnh dạn làm theo. Đến nay, nhìn rừng dổi xanh và chò chỉ gần 4 năm tuổi vươn cao, tôi mới thấy hướng đi của mình là đúng. Chỉ cần vài năm nữa thôi, cây dổi xanh được 6 năm tuổi sẽ cho thu quả, mỗi cây cho từ 4-5kg quả với giá bán khoảng 2 triệu đồng/kg”, ông Phượng chia sẻ.
Cùng với các mô hình trên, những năm qua, người dân xã Cây Thị đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng bưởi tại xóm Kim Cương và Trại Cau với tổng diện tích 2ha; mô hình nuôi ong mật của HTX nông lâm Dũng Phượng tại xóm Khe Cạn; mô hình trồng và chế biến chè tại các xóm Hoan, Mỹ Hòa, Trại Cau; mô hình trồng rừng sản xuất tập trung tại các xóm Hoan, Khe Cạn, Suối Găng, Cây Thị với diện tích 235ha trồng mới hàng năm; mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn...